Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh tại lễ ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ Công thương và Bộ KH&CN giai đoạn 2017-2020” diễn ra chiều 9/2.
Theo đó, hai bộ thống nhất phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức triển khai, đánh giá, sơ kết, tổng kết các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về KH&CN trong giai đoạn 2017-2020; tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN, công nghiệp và thương mại; tổ chức xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình KH&CN quốc gia, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong lĩnh vực công thương.
Hai bên cũng xác định lựa chọn xây dựng và phát triển từ 3-5 tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ Công thương thành tổ chức KH&CN mạnh; tăng cường phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, đề án trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình KH&CN giao cho Bộ Công thương chủ trì; tăng cường phối hợp trong hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực công thương; phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện truyền thông pháp luật về KH&CN.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ ký kết.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Kết quả hoạt động KH&CN của ngành công thương đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển và tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Nhiều quy trình công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, nổi bật là giàn khoan tự nâng 120m đã tạo sự đột phá trong ngành cơ khí dầu khí, các chủng loại biến áp với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15 - 20%".
"Nhìn lại truyền thống phối hợp giữa hai bộ, tôi thấy chúng ta có đầy đủ nền tảng quan trọng để sau buổi ký kết hôm nay, chúng ta sẽ tăng cường nhiều bước rất quan trọng nữa trong sự phối hợp giữa hai bộ"- Bộ trưởng nói và cho biết: "Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN phối với các bộ, ngành để đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo tinh thần hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ thì ngoài thách thức, chúng ta còn có cơ hội tốt để tăng cường phối hợp, tái cơ cấu hành chính trong công nghệ, với tinh thần chung doanh nghiệp là trọng tâm, trung tâm của đổi mới sáng tạo".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại lễ ký kết.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, quan hệ hợp tác phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ KH&CN đã có những bước phát triển và mang lại những hiệu quả tích cực: “Giai đoạn hiện nay và tới đây, chúng ta cần sự chủ động tích cực phối hợp của cả hai bộ để cùng hướng tới sự phát triển”.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh hy vọng rằng, trong và sau chương trình phối hợp này, sẽ có nhiều hơn nữa các quy trình công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật, các sản phẩm mới được đưa vào ứng dụng và sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành công thương giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tặng hoa cho Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.
Theo Bộ Công thương, giai đoạn vừa qua, KH&CN trở thành yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ yếu, mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
Vai trò của KH&CN tiếp tục được khẳng định trong hoạt động tái cơ cấu ngành công thương. Trong đó, phát triển KH&CN được xác định là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành công thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững. Giai đoạn 2016-2020, ngành công thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13,0%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, để đạt được mục tiêu này, KH&CN phải được xem là giải pháp chiến lược trong đổi mới, tái cơ cấu ngành công thương, phải đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
|