Sáng 12/4, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên để "Báu vật khảo cổ học Việt Nam". Buổi lễ đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm khách tham quan.

Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Bình Dương, Bảo tàng Đồng Tháp, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lâm Đồng, Bảo tàng Phú Thọ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, Viện Goethe Hà Nội và 3 bảo tàng quốc gia Đức là: Herme, Chemnitz, Reiss-Engelhorn.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Báu vật khảo cổ học Việt Nam".
Ảnh: Đoàn Dung

Trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" đã được tổ chức thành công tại Đức (từ 2016 đến tháng 2-2018) thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Đức, đặc biệt là kiều bào Việt Nam, giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam thông qua các tài liệu, hiện vật, phát hiện qua các đợt nghiên cứu và khai quật khảo cổ học, trong đó có những đóng góp và kết quả hợp tác của các nhà khảo cổ học Việt Nam và CHLB Đức.

Nhằm tiếp tục phát huy những giá trị của trưng bày này, gần 300 hiện vật tiêu biểu từ thời tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18) được lựa chọn giới thiệu tới công chúng với ba nội dung chính: Báu vật khảo cổ học thời tiền sử; báu vật khảo cổ học thời đại kim khí (gồm Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đồng Nai; và báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử (gồm Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn, Văn hóa Óc Eo- Phù Nam, Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam).

TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Đoàn Dung

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - cho rằng, trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" sẽ giúp người dân và khách tham quan ở Việt Nam được chiêm ngưỡng sâu sắc hơn thành tựu khảo cổ học Việt Nam; "và quan trọng hơn có được một cách tiếp cận, cách nhìn xuyên suốt về lịch sử đất nước, trải dài trên cả 3 miền qua các thời kỳ thông qua các hiện vật".

Có mặt tại buổi lễ khai mạc, PGS-TS Trình Năng Chung - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Khảo cổ học - cho biết: Đây là lần đầu tiên có những hiện vật được đưa ra để công chúng được tiếp cận, giúp người xem có được những nhận thức cơ bản về nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm pa. Trưng bày đặc biệt ý nghĩa với thế hệ trẻ khi thấy được cả quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. "Với những nhà khảo cổ học, những nhà nghiên cứu như chúng tôi, trưng bày còn cung cấp thêm nhiều tư liệu mới".

Trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2018.

Trước đó, các hiện vật này đã được giới thiệu tại các bảo tàng của Liên bang Đức gồm: Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne (7-10-2016 đến 26-2-2017), Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz (30-3 đến 20-8-2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim (16-9-2017 đến 7-1-2018).