Bản quyền truyền hình bóng đá trên thế giới đang là khối tài sản vô hình có khả năng mang lại khoản tiền khổng lồ. Trong khi đó, giải đấu chuyên nghiệp V-League của Việt Nam lại có giá bản quyền truyền hình chỉ mang tính chất tượng trưng.

Giải Ngoại hạng Anh bán gói bản quyền truyền hình ra thị trường nước ngoài mùa 2016/2017 với giá 1,8 tỷ bảng, hay trị giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Thái Lan cũng đạt 15 triệu USD. Trong khi đó, giải đấu chuyên nghiệp V-League của Việt Nam lại có giá bản quyền truyền hình chỉ mang tính chất tượng trưng.

Tiền bản quyền 7 năm mới đủ trả lương tháng cho 1 cầu thủ

Trong các giải đấu của bóng đá thế giới, bản quyền truyền hình là nguồn thu lớn nhất và sau mỗi mùa, thứ hạng các giải đấu lại được định vị lại thông qua giá trị bản quyền truyền hình luôn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam lại đang đi ngược với quốc tế khi giải vô địch V-League - sau hơn một thập kỷ ra đời từ mùa 2000-2001, giá bản quyền vẫn chỉ ở mức “cho có” nhằm hoàn thành điều kiện cho giải đấu đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

Truyền hình tác nghiệp trong một giải đấu tại Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng

Trên thực tế, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2012, các trận đấu V-League gần như được cho không các đài truyền hình và người nắm giữ thương quyền chỉ cấp phép cho các kênh tường thuật trận đấu với chi phí tượng trưng. Giá trị thấp khiến các đội bóng hầu như không đề cập đến vấn đề bản quyền truyền hình trong những buổi tổng kết giải hay trước mỗi mùa giải mới.

Bước ngoặt với V-League diễn ra năm 2012, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bán bản quyền truyền hình giải đấu cho Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) trong 20 năm. Theo đó, AVG trả cho VFF 6 tỷ đồng mỗi mùa và luỹ tiến 10% ở các mùa sau. Đây là bước tiến vượt bậc về bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam, nhưng số tiền thu lại cho các đội bóng cũng chỉ vào khoảng 100 triệu đồng mỗi mùa.

Thời điểm đó, theo mức quy đổi thì CLB Ximăng Hải Phòng phải kiếm tiền từ bản quyền truyền hình trong suốt 7 năm mới đủ để trả lương một tháng cho cầu thủ Denilson (35.000 USD/tháng) mà họ mời về.

Vấn đề sau đó trở nên nóng hơn khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, quyết tâm đòi thương quyền V-League từ tay AVG. VPF cho rằng lãnh đạo VFF đã làm sai quy định khi bán bản quyền truyền hình 20 năm trong bối cảnh một nhiệm kỳ của họ chỉ kéo dài 4 năm. Một cuộc chiến pháp lý nổ ra trong nhiều tháng và cuối cùng VPF lấy được bản quyền từ AVG với giá 0 đồng.

VPF khi đó rất lạc quan về cách khai thác bản quyền truyền hình. Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tuyên bố: “Các doanh nghiệp lớn, có uy tín xã hội, có tâm với bóng đá sẽ đầu tư vào V-League và thu lại quảng cáo. VPF muốn nhà đài cho quảng cáo 20 phút trong mỗi trận đấu. Tổng số tiền VPF thu được, nhà đài hưởng 25%”. Còn Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức lúc đó cũng cho rằng: “10 doanh nghiệp hàng đầu tham gia, chỉ cần mỗi doanh nghiệp bỏ ra 10 tỷ đồng, V-League sẽ có 100 tỷ đồng một năm”.

Nhưng VPF đột nhiên chao đảo khi ông Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lý, khiến công cuộc nâng giá trị bản quyền truyền hình của V-League gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo tài chính của VPF mùa giải 2015 vừa qua, tổng số tiền mà công ty này chia cho các cổ đông của mình - tức là các đội bóng - là hơn 700 triệu đồng, bao gồm cả tiền bản quyền. Trong khi đó, so sánh với nước láng giềng khu vực, riêng số tiền một đội bóng nhận được ít tiền bản quyền nhất của giải Ngoại hạng Thái Lan (Thai Premier League) năm 2015 đã là 600.000USD (tương đương khoảng 13 tỷ đồng).

Nghịch lý bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam

Bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam bị mất giá bởi giá trị quy ra tiền ở điểm xuất phát quá thấp và tình trạng này kéo dài trong suốt 15 năm khiến các đội bóng không còn mặn mà. Họ chủ động tìm cách khác để đạt được mục đích thương mại của mình khi tiền bản quyền không phải nguồn thu chính. Do các CLB kiếm tiền bằng những bản hợp đồng tài trợ, quảng cáo nên truyền hình đã trở thành công cụ độc tôn.

Một trong những dấu hiệu của tính chuyên nghiệp trong giải dấu V-League chỉ là sự góp mặt của các cầu thủ ngoại. Ảnh: Đức Đồng

Cụ thể, mỗi khi các CLB đàm phán và ký hợp đồng với các đối tác, điều quyết định thành bại là chiến dịch quảng bá qua các phương tiện truyền thông, trong đó hiệu quả nhất là truyền hình. Chính vì thế, thay vì nhận được khoản tiền lớn thông qua bản quyền giải đấu từ các nhà đài, các đội bóng lại có xu hướng hợp tác với các kênh truyền hình bằng mọi cách để những trận đấu của mình được lên sóng trực tiếp.

Tương tự như vậy, ở những giải đấu có các đội tuyển quốc gia, thay vì các nhà đài phải lao vào đấu giá bản quyền truyền hình thì ban tổ chức giải đấu phải gõ cửa họ và ưu tiên tuyệt đối cho các đài có độ quảng bá rộng.

Một nghịch lý khác là tại những nền bóng đá lớn, các đội bóng được chia tiền bản quyền truyền hình tuỳ theo số lượng người xem, sức hút của các “ngôi sao” và đội bóng đó, còn ở Việt Nam, mọi đội bóng bất kể đang tranh chức vô địch hay sắp xuống hạng đều nhận khoản tiền bản quyền như nhau. Với cách thức vận hành cào bằng không giống quốc tế này, bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam đang như một “dòng sông chảy ngược”.


Trong khi đó, những lỗ hổng trong sự hiểu biết về sở hữu trí tuệ cũng góp phần khiến giá trị của bản quyền truyền hình bóng đá trong nước của Việt Nam thêm u ám. Tại vòng loại U.19 châu Á năm 2013 diễn ra trên đất Malaysia, với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đang rất được người hâm mộ cả nước quan tâm, nhưng không đài truyền hình nào ở Việt Nam tường thuật trực tiếp. Một nhóm từ Việt Nam đã sang Malaysia mang theo camera, laptop với kế hoạch “tường thuật trực tiếp” trên Youtube và hồn nhiên “tác nghiệp” ngay trước khán đài VIP của sân vận động.

Ngay lập tức, đại diện của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xuất hiện và giải thích về vấn đề bản quyền truyền hình. Họ khẳng định không một đài truyền hình nào ở Việt Nam có bản quyền truyền hình giải U.19 châu Á 2013 và cũng không bán bản quyền giải cho đối tác nào ở Việt Nam phát trực tiếp trên Youtube. Thông cảm cho sự giải thích là “không hiểu” của êkíp truyền hình nói trên, AFC đã bỏ qua hành động truyền hình trực tiếp không phép này dù với họ đây là vi phạm nghiêm trọng về vấn đề bản quyền.