Hơn 100 đại biểu đến từ 18/21 nền kinh tế APEC đã bắt đầu phiên họp nhóm chuyên gia APEC về sở hữu trí tuệ lần thứ 44 (IPEG 44) do Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì. Phiên họp diễn ra trong 2 ngày từ 18-19/2 tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Phiên họp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1). Đoàn Việt Nam gồm 7 thành viên do Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Lê Ngọc Lâm làm trưởng đoàn.

Tại phiên họp này, các đại biểu đối thoại về chính sách SHTT và thảo luận các biện pháp tăng cường tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ SHTT, thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS của WTO).

Các phiên thảo luận cũng tập trung tìm giải pháp cho việc triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tập thể (CAP) về SHTT nhằm đạt các mục tiêu Bogor của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; phát triển nguồn nhân lực về SHTT cho các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Phiên họp được kỳ vọng sẽ giúp các bên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT; khuyến khích sử dụng, khai thác và thương mại hóa quyền SHTT.

Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của bảo hộ quyền SHTT trong sự phát triển của mỗi nền kinh tế cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Việc bảo hộ SHTT đầy đủ và thích hợp góp phần thúc đẩy đáng kể quá trình đổi mới, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và góp phần vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực.

Theo phương châm đó, những năm qua, các thành viên Nhóm IPEG đã tích cực tham gia hoạt động của nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cũng như thảo luận đưa ra các sáng kiến, đề xuất dự án, góp phần làm phong phú thêm kết quả của APEC nói chung và của Nhóm IPEG nói riêng.

Tại cuộc họp này, 2 vấn đề mà Việt Nam trình bày - gồm quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục SHTT và hoạt động đổi mới, sáng tạo của Việt Nam - được đánh giá là quan trọng. Theo ông Lê Ngọc Lâm, hoạt động đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chính sách về quyền SHTT là một trong những vấn đề mà Chính phủ và các doanh nghiệp nước ta rất quan tâm. Vấn đề là làm sao đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo về mặt kỹ thuật để giúp hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ, tạo sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Về quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục SHTT, đoàn Việt Nam cho biết việc chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình vận hành hệ thống này giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu trong nước; cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ta khi đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài.

Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm tin tưởng, hội nghị sẽ đạt được những kết luận mang tính hiệu quả, có thể được dùng làm đầu vào cho năm APEC 2017 cũng như góp phần đạt các mục tiêu Bogor của APEC về tự do thương mại và đầu tư vào năm 2020.