Chỉ sau 24h khi các đại diện cộng đồng trong lĩnh vực AI chấp thuận, một cam kết mềm đã nhanh chóng được đưa ra, tạo nên triển vọng chia sẻ và kết nối các bên trong thời đại nước rút.

Ra mắt Liên minh trí tuệ nhân tạo Việt Nam ngày 16/8 | Ảnh: BTC
Ra mắt Liên hiệp các cộng đồng trí tuệ nhân tạo Việt Nam ngày 16/8 | Ảnh: BTC

Sáng 16/8 tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) năm 2019, 8 đại diện đến từ các cộng đồng, câu lạc bộ về AI đã chính thức cam kết chia sẻ nguồn lực và hình thành Liên hiệp các cộng đồng AI ở Việt Nam.

Các cộng đồng đầu tiên tham gia liên minh bao gồm: Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU); Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI4Life); Cộng đồng Chuyển đổi số (Digital Transformation); Cộng đồng Học máy Cơ bản (Machine Learning); Cộng đồng Google Developer (GDG); Cộng đồng Business Intelligence (BI); Cộng đồng Trí tuệ nhân tạo Việt (VietAI) và công ty Genetica.

Ý tưởng thành lập Liên hiệp này đến từ Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy trong phiên thảo luận chuyên để “Xây dựng cộng đồng AI”. Sau khi nghe các đại diện cộng đồng chia sẻ về những sự phát triển và những thành quả của mình, ông đã đề xuất kết nối các cộng đồng trên lại bằng một cơ chế hệ sinh thái. Theo đó, mỗi cộng đồng vẫn tiếp tục phát triển độc lập, nhưng hỗ trợ và liên kết với nhau bằng các thỏa thuận chia sẻ thông tin, nguồn lực đào tạo, tài nguyên nghiên cứu, dữ liệu,....

Khi được hỏi về việc liệu có sẵn lòng chia sẻ các tài nguyên và cơ hội của mình, đại diện các cộng đồng đều đồng ý. Trước đó, nhiều cộng đồng cũng đã hợp tác với nhau, ví dụ như cộng đồng Machine Learning đã cùng cộng đồng Việt AI mở nguồn tài nguyên dịch Việt-Anh; hoặc cộng đồng Google Developer ở 4 tỉnh (Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ) đã thường xuyên tổ chức các sự kiện mở có sự tham gia của chuyên gia lập trình từ Google đến Việt Nam…

Trên thực tế, Việt Nam khó có thể đầu tư khoản tiền khổng lồ vào một lĩnh vực, điều đó đã dạy cho mọi người cách chia sẻ để tối đa hóa nguồn lực.

Liên minh được kì vọng trước hết đạt được mức chia sẻ nguồn lực như kho dữ liệu dùng chung, modun tài liệu đào tạo, giảng viên, mentor…sau đó tham vọng lớn hơn là xây dựng kho mã nguồn mở ở Việt Nam giống như cách Google đã mở kho code của mình đóng góp rất lớn cho toàn thế giới.

Nhưng liên minh sẽ “không do Bộ Khoa học & Công nghệ hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ đạo hay quản lý, mà sẽ hoàn toàn do cộng đồng xây dựng nên, giống cách sự kiện khởi nghiệp và công nghệ Slush của Thụy điển hay Techfest của Việt Nam đã làm”, thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Góp ý cho sáng kiến Liên minh, GS. Nguyễn Xuân Hoài thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội gợi ý thêm cần xây dựng một nền tảng chung để kết nối và chia sẻ hệ thống thông tin đồng bộ giữa các cộng đồng, và cần một đơn vị độc lập chuyên biệt – có thể do bất kì bên nào tạo nên – làm trung gian giám sát (monitor) việc truyền tin, tổ chức các hoạt động kết nối cộng đồng chung, tương tự như cách cơ quan SGInnovate của Singapore đang làm.

Cách đây vài ngày, Liên minh chuyển đổi số Việt Nam cũng được thành lập trong Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông 2019, gồm sự tham gia của các tập đoàn lớn nhất Việt Nam về CNTT.

Năm ngoái 2018 cũng đã đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ, trong đó có lĩnh vực AI.