Đó là mục tiêu mà PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - nêu ra tại hội thảo "Giới thiệu chương trình KC.01/16-20 và định hướng triển khai chương trình trong năm 2017-2018" diễn ra sáng 5/5 tại trường này.

PGS Huỳnh Quyết Thắng - Chủ nhiệm chương trình KC.01/16-20 "Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử" - cho biết, điểm đặc biệt của chương trình là 80% số nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu sẽ được ứng dụng vào thực tế, thay thế cho việc mua sắm các sản phẩm, thiết bị của nước ngoài.

PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng - Chủ nhiệm chương trình KC.01/16-20.

"Một trong các nội dung của chương trình là nghiên cứu làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chính phủ điện tử có trình độ tiên tiến trong khu vực" - ông Thắng nhấn mạnh.

Các công nghệ mà chương trình hướng tới là công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin quốc gia, giải pháp và nền tảng xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống phần mềm lõi cho phát triển dịch vụ công, xây dựng đô thị thông minh, thiết bị mạng viễn thông, thiết bị giám sát và cảnh báo an ninh mạng...

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng các đề tài không nên gò bó trong phạm vi các nội dung của Nghị quyết 36A về xây dựng chính phủ điện tử như hành chính công, mà cần mở rộng ra những đề tài có thể ứng dụng trong nông nghiệp để phục vụ quản lý nhà nước và được triển khai trực tuyến.

Là chủ nhiệm chương trình, PGS Huỳnh Quyết Thắng hy vọng mỗi năm sẽ có 10-15 đề tài và sau 5 năm (2020) sẽ có khoảng 50-60 đề tài. "Trong các tháng đầu năm 2017, ban chủ nhiệm đã nhận được 7 đề xuất nhiệm vụ và đang trình Bộ Khoa học và Công nghệ. Hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 10-15 đề tài nữa" - ông Thắng nói.