Gần 40 nhà khoa học về di sản địa chất và văn hóa đã tham dự Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành” được tổ chức ngày 3/8 tại Quảng Nam.

Hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài Nguyên - Môi trường và UBND huyện Núi Thành tổ chức.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến bảo tồn di sản địa chất như: Tiềm năng di sản địa chất và nhân văn huyện Núi Thành; Các vết lộ đá biến chất phức hệ Khâm Đức - núi Vú tại Tam Hải và Tam Quang; Những giá trị địa chất - địa mạo đặc sắc ở khu vực Tam Hải và giải pháp bảo tồn, khai thác… Vấn đề được đề cập nhiều nhất tại sự kiện này chính là hệ thống di sản địa chất tại xã đảo Tam Hải.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

PGS-TS Ngô Văn Doanh, nguyên ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định, Tam Hải có một mặt giáp biển và ba mặt giáp sông. Đây là sắc thái riêng của địa phương này. Những tiêu chí về địa chất, địa lý và địa giới hành chính đã xác định Tam Hải là vùng đất ven bờ chứ không ngoài biển. Đặc biệt, Tam Hải có mũi Bàn Than nổi tiếng là một quần thể những bàn đá đen lớn bao quanh một hòn núi nhỏ với hình vẽ và hoa văn độc đáo. Đá đen tại Bàn Than không phải là đá núi lửa mà là đá gốc với tuổi thọ lên đến 400 triệu năm.

Cùng quan điểm với PGS-TS Ngô Văn Doanh, chuyên gia Vũ Văn Vĩnh – Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam cho rằng: “Tam Hải có thể được công nhận là công viên địa chất toàn cầu dựa vào 3 yếu tố địa hình lớn là dãy các đảo Bàn Than - hòn Dứa, bán đảo Tam Quang, vũng Tam Giang. Tất cả đều xứng đáng là di sản địa chất”.

Các chuyên gia cũng nhận xét, với tiềm năng về tự nhiên và văn hóa - xã hội tại các di sản địa chất, huyện Núi Thành hoàn toàn có thể đầu tư phát triển du lịch biển đảo, qua đó phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương lên tầm cao mới.

Theo ông Ngô Đức An, Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, nếu Tam Hải được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh du lịch và xóa đói giảm nghèo sẽ có được tiền đề tốt nhất.

Thắng cảnh Bàn Than tại xã đảo Tam Hải
Thắng cảnh Bàn Than tại xã đảo Tam Hải

Hội thảo lần này là dịp để lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành đánh giá tiềm năng, thế mạnh di sản địa chất khu vực huyện Núi Thành, từ đó đề xuất những phương án bảo tồn và phát triển kinh tế tại địa phương.

Núi Thành là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Nam, giáp với tỉnh Quảng Ngãi. Địa phương này nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và hệ thống đầm phá trù phú, trong đó có Phá Trường Giang lớn thứ hai cả nước sau phá Tam Giang.