Sáng 24/5, tại Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐH BKHN) đã diễn ra hội thảo “Nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ và tri thức tại Việt Nam”, chương trình nằm trong chuỗi hoạt động phát triển mạng lưới đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức giữa châu Âu và Việt Nam.

Trên cơ sở khảo sát về năng lực chuyển giao công nghệ và tri thức tại các trường đại học ở 3 miền, dự án VETEC (Vietnamese - European Knowledge and Technology Transfer Education Consortium) do Liên minh Châu Âu tài trợ đã hình thành và sẽ xây dựng mô hình đào tạo cho các đối tượng từ cán bộ đến nhà lãnh đạo ở Việt Nam. Dự án nhằm hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam và các đơn vị liên quan nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ và mở rộng các cơ hội chuyển giao tri thức.

Có 3 trường đại học (ĐH) trọng điểm tham gia dự án, gồm ĐH Bách khoa Hà Nội (điều phối tại Việt Nam), ĐH Huế, ĐH Cần Thơ. Châu Âu có 3 trường gồm ĐH Tự do Brussel (VUB, Vương quốc Bỉ), ĐH Kỹ thuật Dresden (TUD – CHLB Đức), ĐH Aveiro (UA – Bồ Đào Nha) và 6 đối tác hỗ trợ khác bao gồm Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam. Tất cả tạo ra mạng lưới phát triển đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức giữa châu Âu và Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội - PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng - cho biết: “Chuyển giao công nghệ và tri thức là chủ đề không chỉ các trường ĐH quan tâm mà với xu hướng khoa học và công nghệ (KH&CN) phát triển như vũ bão hiện nay, tri thức là chiếc nôi phát triển sản xuất, là động lực hỗ trợ trong thời đại hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì chuyển giao công nghệ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham gia vào dự án này, các trường ĐH Việt Nam sẽ học được kinh nghiệm của châu Âu trong vấn đề chuyển giao công nghệ và tạo ra sự kết nối. Vấn đề chuyển giao công nghệ sẽ có hai cấu phần, thứ nhất là làm thế nào để tạo ra công nghệ; thứ hai là làm thế nào để công nghệ đó được nghiên cứu kỹ ở các trường ĐH và sẵn sàng để chuyển giao cho các vùng, cụm công nghiệp.

Theo ông Thắng, trong vấn đề chuyển giao công nghệ, phải xác định nhu cầu của Việt Nam, nhu cầu của thị trường tại chỗ và định hướng những công nghệ dùng trong tương lai. Cần giúp các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường ĐH biết được những hướng nghiên cứu của thế giới trong tương lai gần là gì, từ đó có định hướng nghiên cứu đúng và trúng cho thị trường Việt Nam.

Ông Thomas Cripseels - điều phối dự án thuộc ĐH Tự do Brussel - cũng khẳng định: “Dự án VETEC sẽ phát triển, thực hiện các chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức cho lãnh đạo, cán bộ có năng lực lãnh đạo trong tương lai, thực hiện đào tạo tại châu Âu và khi quay trở về sẽ thực hiện đào tạo lại ở chính trường ĐH Việt Nam”.

Ông Thomas Cripseels đưa ra lời khuyên cho Việt Nam là nên tập trung vào sở hữu trí tuệ trong các nghiên cứu để khi gia nhập mạng lưới sẽ thuận lợi hơn. Ông cũng kỳ vọng các trường đại học ở Việt Nam có thể phát triển tốt mạng lưới đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức, từ đó nâng cao vai trò của trường đại học đối với xã hội thông qua các nghiên cứu giáo dục và đổi mới sáng tạo.

Toàn cảnh hội thảo.

Cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề “chuyển giao công nghệ và tri thức, từ ngữ cảnh đến tác động tại châu Âu và Việt Nam” đã được nhiều chuyên gia đến từ các trường ĐH châu Âu và khách dự hội thảo nhiệt tình tham gia. Các đại biểu cũng đã đi tham quan phòng thí nghiệm có tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ tại ĐHBK Hà Nội và công ty BK-Holdings để tìm hiểu thêm về mô hình đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Ông Thắng cũng cho biết, ĐH BKHN rất quan tâm đến công tác chuyển giao công nghệ. Phòng KH&CN của trường và BK - Holding sẽ là hai đơn vị trực tiếp học hỏi kinh nghiệm từ các trường ĐH của châu Âu để phát triển mô hình chuyển giao công nghệ của trường: "Để mạng lưới này phát triển thành công, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học Việt Nam với các giáo sư, tiến sĩ tại ở các trường ĐH châu Âu; tìm ra các đề tài nội dung cần cho Việt Nam, tìm hiểu xem những giải pháp của châu Âu liệu có áp dụng được ở Việt Nam hay không và cuối cùng Việt Nam sẽ tận dụng kinh nghiệm đó vào thực tế như thế nào".

Dự án VETEC (Vietnamese – European Knowledge and Technology Transfer Education Consortium) thuộc Chương trình Erasmus+ Key Action 2 (hợp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học) do Liên minh Châu Âu tài trợ với tổng ngân sách được phê duyệt là 712.014 euro (hơn 17,5 tỷ đồng).

Dự án VETEC sẽ được thực hiện trong 3 năm (10/2016 - 10/2019). Sau khi kết thúc, các kết quả của Dự án sẽ được ứng dụng rộng rãi và sử dụng trong việc phát triển các chương trình đào tạo trong chuyển giao công nghệ và tri thức.