Ngày 21/10, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức tiêu huỷ 2.349 tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Số lượng sản phẩm bị tiêu huỷ gồm 2.349 sản phẩm, cụ thể: 726 chiếc túi xách, 1.057 chiếc ví da, 39 chiếc dây lưng, 06 chiếc đồng hồ đeo tay, 19 chiếc vòng đeo tay, 290 logo, 210 mặt dây lưng và , 02 bán thành phẩm túi xách.

Cuộc tiêu hủy có sự tham gia và chứng kiến của Thanh tra Bộ KH&CN, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế công an Thành phố Hà Nội, đại diện chủ sở hữu nhãn hàng HERMÈS cùng nhiều phóng viên báo chí, truyền hình.

Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính nêu trên được tịch thu theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ KH&CN ban hành để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (hành vi giả mạo nhãn hiệu) theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
Lực lượng chức năng kiểm tra niêm phong hàng hóa trước khi tiêu hủy theo quy định dưới sự chứng kiến của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Các tang vật, phương tiện vi trong đợt này là sản phẩm thời trang gồm: (túi xách, ví da, dây lưng, đằng hồ, vòng đeo tay...) giả mạo các nhãn hiệu “DIOR” bảo hộ cho Christian Dior Couture (Pháp) theo Đăng ký quốc tế số 313176, 991522; nhãn hiệu “HERMÈS”, “HERMÈS&HW, “Hình”, “H&Hình” bảo hộ cho Hermes International (Pháp) theo Đăng ký quốc tế số 196756, 199735* 446185, 806207; nhãn hiệu “LOUIS VUITTON”, "LV", “Hình”, “LV&Hình” bảo hộ cho Louis Vuitton Malletier (Pháp) theo các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số: 2588, 25890, 25891,25892,29156, 84681.

Theo số liệu thống kê 9 tháng năm 2016, Thanh tra Bộ KH&CN đã triển khai 48 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Trong các cuộc thanh tra này đã phát hiện các cơ sở vi phạm chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh với tổng số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng, buộc tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 205.444 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu (chủ yếu: dược phẩm, bánh kẹo, bột chiên giòn, nước giải khát, thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép, sản phẩm thời trang...); ban hành kết luận thanh tra 09 cơ sở, theo đó công nhận sự thỏa thuận của các bên; dừng thủ tục xử lý vi phạm 05 cơ sở.

Phương thức tiêu hủy bằng cách cắt bỏ các sản phẩm.

Kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT này nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản SHTT; Khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.