Sử dụng Zalo kết nối với cổng hành chính công tại Đồng Nai (ảnh cắt từ clip).

Sau khi tỉnh Đồng Nai triển khai chính quyền điện tử ứng dụng trên Zalo, nhiều địa phương khác cũng bày tỏ muốn triển khai.

Cụ thể trong Hội thảo hợp tác, phát triển CNTT-Truyền thông Việt Nam 2017 vào đầu tháng 10, có đến 15 tỉnh, thành bày tỏ mong muốn xây dựng mô hình tương tự Đồng Nai tại địa phương mình.

Người dân có thể phản hồi ý kiến.
Người dân có thể phản hồi ý kiến.

Trên thực tế, chính quyền địa phương ứng dụng Zalo sớm để tạo kênh truyền thông, giao tiếp với người dân là thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện Đồng Nai mới là điểm sáng về việc triển khai ứng dụng chính quyền điện tử trên Zalo – một sản phẩm truyền thông của Việt Nam hiện đã có hơn 70 triệu người dùng.

Ông Lê Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Nai – chia sẻ, lựa chọn của Đồng Nai là phát triển chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh trên các nền tảng có đông người dùng sẵn có như Zalo. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, mà cụ thể là muốn phát triển mô hình chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử. Điều này nghĩa là người dân đã sẵn sàng với việc sử dụng công nghệ để tương tác với chính quyền.

Sau 3 tháng chính thức triển khai (từ tháng 7.2017), mô hình chính quyền điện tử trên Zalo của tỉnh Đồng Nai vận hành khá trơn tru. Với những người bận rộn như dân văn phòng thì còn có thể tiết kiệm thời gian đi lại, có thể ngồi tại Cty tra cứu những thông tin cần thiết.

Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục mở rộng sang các chức năng mới như Giấy phép điện tử, Xử phạt an toàn giao thông, Hóa đơn tiền điện, tiền nước… trên Zalo, đồng thời nhân rộng mô hình này về tuyến huyện, xã.

Sau khi Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm, những địa phương khác như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Vũng Phúc, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam, Quảng Trị cũng mong muốn triển khai.