Hơn 400 doanh nghiệp đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ trưng bày các thiết bị, công nghệ mới nhất tại Triển lãm quốc tế về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý chất thải (VIETWATER) 2019 diễn ra từ ngày 6 – 8/11 tại TPHCM .

Đây là lần thứ 11 Triển lãm VIETWATER được tổ chức bởi Công ty UBM Asia và Informa Markets Việt Nam (thuộc Tập đoàn Informa plc).

Tại buổi giới thiệu triển lãm VIETWATER 2019 tổ chức ngày 8/10 tại TPHCM, ông BT Tee, Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam, cho biết, Triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều công nghệ và giải pháp tối tân trong ngành cấp thoát, lọc nước trên thế giới như bơm, van, ống, khớp nối, thiết bị lọc nước, tách nước, khử nước, nồi hơi, thiết bị đo lường và điều khiển, giải pháp quản lý cấp thoát nước thông minh,… Ngoài ra, VIETWATER 2019 còn giới thiệu những công nghệ trong xử lý chất thải như phương pháp xử lý sinh học, cơ học, nhiệt cơ, công nghệ khí hóa, công nghệ tái chế và phục hồi hiệu quả,…

Ông BTTee giới thiệu về
Ông BT Tee giới thiệu vềVIETWATER 2019 Ảnh: KA

Song song với triển lãm, nhiều hội thảo kỹ thuật chuyên đề và mang tính thời sự cũng sẽ diễn ra như “Ngập úng đô thị - Thực trạng và giải pháp” nhằm chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp chống ngập tại các nước như Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan,… đồng thời đưa ra những giải pháp thoát nước và chống ngập thông minh cho các đô thị tại Việt Nam; Hội thảo “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và công nghiệp – Thực trạng và giải pháp”;…

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết, trong những năm gần đây, ngành nước Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện với 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, chất lượng nước và dịch vụ ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, những đô thị đông dân như TPHCM, Hà Nội, việc cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, đủ lưu lượng và đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quy định vẫn là một thách thức lớn.

v
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ về thực trạng xử lý rác đô thị Ảnh: KA

Đối với việc xử lý chất thải, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện môi trường đô thị và công nghệ Việt Nam, cho biết, Việt Nam có khoảng trên 800 đô thị với tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 14 triệu tấn. Lượng rác thải đô thị khoảng gần 40 ngàn tấn/ngày, trong đó 15% là rác thải nhựa. Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại một số đô thị do chưa làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. Công nghệ xử lý rác sinh hoạt hiện nay bằng hình thức đốt với đa số các lò đốt công suất nhỏ, từ 5 – 10 tấn/ngày.

Đối với việc xử lý rác bằng chôn lấp thì mới chỉ có khoảng gần 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, cả nước có khoảng 40 cơ sở xử lý rác sinh hoạt có tổng công suất khoảng 8.500 tấn/ngày, chủ yếu chế biến phân vi sinh và các hình thức xử lý tái chế khác.

“Tuy nhiên, nhiều nhà máy chế biến phân vi sinh hiện nay không bán được sản phẩm do chất lượng phân chưa đạt yêu cầu trong trồng trọt vì lẫn tạp chất do rác thải chưa được phân loại tại nguồn” – GS Dũng nói và cho rằng phân loại và kiểm soát tại nguồn là vấn đề quan trọng nhất trong việc xử lý chất thải. Các đơn vị trong ngành xử lý rác thải mong muốn được tiếp nhận hoặc chuyển giao các công nghệ chuyển hóa rác thải thành năng lượng, đốt rác tiêu hủy, công suất nhỏ hợp vệ sinh, công nghệ tái chế rác thải nhựa và chế tạo phân vi sinh đạt chất lượng cao. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn.