Mặc dù số công bố quốc tế ISI và số bằng sáng chế trong nước đều tăng, nhưng các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST) lại chưa có một đơn sáng chế quốc tế nào nộp qua Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT).

Đó là thông tin do ông Nguyễn Hồng Quang – Viện Vật lý thuộc VAST - chia sẻ tại Hội thảo “Sử dụng hiệu quả hệ thống PCT dành cho người dùng tại Việt Nam” do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 16/5 tại TPHCM.

Ông Quang cho biết, số công bố quốc tế ISI tại VAST ngày càng tăng trong những năm gần đây. Năm 2010, Viện có 336 bài công bố quốc tế, thì đến năm 2018, con số này đã tăng hơn gấp đôi 735 bài. Số bằng sáng chế trong nước cũng tăng từ 10 bằng (năm 2010) lên 50 bằng năm 2018. VAST đã có khá nhiều sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa như sản phẩm dược Natuzen, Nano curcumin; dây chuyền sản xuất fucoidan; Chế phẩm sinh học Hudavil; Máy phát tia plasma lạnh dùng trong y tế và thẩm mỹ;… Tuy nhiên, số đơn quốc tế và nộp qua PCT thì chưa có đơn nào. Chỉ có một số cán bộ của VAST là tác giả sáng chế với tư cách cá nhân hoặc đồng tác giả với đồng nghiệp nước ngoài qua hợp tác quốc tế.

o
Ông Nguyễn Hồng Quang – Viện Vật lý thuộc VAST

Lý giải trình trạng này, ông Quang cho rằng, các nhà khoa học chưa nhìn thấy khả năng sản phẩm có thể vươn ra thị trường quốc tế. Đồng thời, họ cũng chưa định giá được và chưa thấy được lợi ích trước mắt cũng như sự thiết thực của bảo hộ SHTT.

“Kinh phí nộp đơn quá cao, kết quả công bố quốc tế là nghiên cứu cơ bản, lý thuyết, thiếu tính ứng dụng thực tế, rào cản ngôn ngữ và chưa tự tin về sản phẩm, đánh giá của nước ngoài đối với sản phẩm của mình cũng là những nguyên nhân khiến cho VAST chưa có đơn sáng chế quốc tế nào” – ông Quang nói.

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT

Ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng cho biết, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam mới có khoảng 120 đơn nộp đơn ra nước ngoài nộp qua cơ quan SHTT Việt Nam.

“Đây là con số buộc chúng ta phải suy nghĩ, bởi các đơn nước ngoài nộp vào Việt Nam đã tận dụng tối đa hệ thống PCT. Số lượng đơn nộp qua PCT chiếm khoảng 70% tổng số đơn nộp vào” – ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng, lợi ích của PCT là rất lớn, nhưng Việt Nam sử dụng chưa hiệu quả. Trình độ công nghệ còn khiêm tốn, tính cạnh tranh của sáng chế, sự hiểu biết, nhận thức về các vấn đề liên quan khi đăng ký bảo hộ SHTT ra nước ngoài còn hạn chế chính là các nguyên nhân – theo ông Sơn.

Diễn giả quốc tế chia sẻ về PCT
Diễn giả quốc tế chia sẻ về hệ thống PCT

Bà Anjali Aeri, chuyên gia tư vấn về sáng chế và chuyển giao công nghệ của Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO), cho biết, trong rất nhiều lợi ích mà PCT mang đến cho người nộp đơn ở Việt Nam thì có hai lợi ích quan trọng nhất. Đó là bằng việc nộp đơn xin duy nhất theo PCT tại Cục SHTT Việt Nam, hoặc Văn phòng uốc tế của WIPO, đơn sáng chế đó có hiệu lực như một đơn sáng chế quốc gia/khu vực thông thường đối với tất cả các bên tham gia ký kết PCT. Ngoài ra, người nộp đơn là cá nhân và công dân cư trú tại Việt Nam được giảm 90% phí đối với một số phí PCT nhất định cho những đơn quốc tế nộp theo PCT.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về cách sử dụng hệ thống PCT để bảo hộ sáng chế trên phạm vi toàn cầu; kinh nghiệm của việc nộp đơn sáng chế ra nước ngoài theo PCT; thủ tục tra cứu quốc tế và thẩm định sơ bộ quốc tế;…