Ngày 22/3, Hội đồng Anh và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo nghiên cứu tổng thể và hoàn chỉnh đầu tiên về hiện trạng doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam.

Trung Tâm dạy nghề Thương Thương (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: enternews
Trung Tâm dạy nghề Thương Thương (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: enternews

Theo báo cáo, Việt Nam hiện có hơn 19 nghìn DNXH; trong đó, DNXH là hợp tác xã, chiếm 65%, DNXH là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 30%. Tuy nhiên, trong khi 100% các hợp tác xã đều là DNXH thì chỉ có 1,1% số doanh nghiệp vừa và nhỏ là DNXH.

Báo cáo cho biết, năm ngoái, 64% trong số 142 doanh nghiệp được khảo sát có lãi. Số doanh nghiệp có doanh thu từ 5-25 tỷ đồng chiếm 23% và số doanh nghiệp có doanh thu vượt 25 tỷ đồng chiếm 12%. Các DNXH cũng tập trung đông nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 35%.

Đa số các DNXH ở Việt Nam hướng tới sứ mệnh tạo công ăn việc làm, bên cạnh các mục tiêu xây dựng cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, khuyến khích các mô hình làm việc mới, khuyến khích hòa nhập xã hội, chống bất bình đẳng…

Báo cáo kết luận, tương lai của DNXH ở Việt Nam rất lạc quan khi hầu hết các DNXH đều có kế hoạch phát triển và đưa ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.