Trong năm 2019, Viện Hàn lâm KH&CN (VAST) đã công bố 1.178 công trình trên các tạp chí quốc tế, trong đó công bố thuộc danh mục SCI/SCI – E là 888 bài, tăng 20,8% so với năm 2018, bài báo đăng ở các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng trên 3.0 chiếm 23.7% và bài báo trong các tạp chí xếp hạng Q1 của Scimago là 40.4%.

GS Châu Văn Minh tổng kết tình hình công tác năm 2019 của VAST. Ảnh: KH&PT
GS Châu Văn Minh tổng kết tình hình công tác năm 2019 của VAST. Ảnh: KH&PT

Đó là những thông tin được GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Trong đó, có nhiều đóng góp nhất vẫn là các viện thành viên trực thuộc VAST có đội ngũ nghiên cứu mạnh và truyền thống công bố quốc tế từ nhiều năm nay như Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (118 bài SCI/ SCI-E), Viện Khoa học vật liệu (83 bài), Viện Toán học (67 bài), Viện Vật lý (61 bài)...

Tuy có tỉ lệ tăng cao nhưng 2019 không phải là năm tăng “đột biến” về số lượng công bố quốc tế của VAST, mà theo GS Châu Văn Minh đã 5 năm nay, trung bình VAST có số lượng công bố quốc tế tăng 15% mỗi năm. Nhiều đơn vị thành viên của VAST nay đã tập trung chuyển dịch sang nâng cao chất lượng công bố quốc tế và tập trung công bố trên các tạp chí chất lượng, chỉ số ảnh hưởng cao. Đơn cử như Viện Toán học đã tự lập ra một danh mục các tạp chí uy tín riêng, chọn lọc và tổng hợp từ danh mục của Quỹ Nafosted và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, như GS Phùng Hồ Hải (Viện trưởng Viện Toán học) cho biết “không thể chỉ tập trung nhiều vào số lượng, phải có chất lượng thì mới có sự phát triển lâu dài được”.

GS Phùng Hồ Hải cùng GS Phạm Hoàng Hiệp (phải) là những nhà khoa học có công bố chất lượng của Viện Toán học. GS Phạm Hoàng Hiệp cũng là nhà khoa học đầu tiên Việt Nam đoạt giải thưởng Ramanujan 2019.
GS Phùng Hồ Hải cùng GS Phạm Hoàng Hiệp (phải) là những nhà khoa học có công bố chất lượng của Viện Toán học. GS Phạm Hoàng Hiệp cũng là nhà khoa học đầu tiên Việt Nam đoạt giải thưởng Ramanujan 2019.

Bên cạnh các hướng nghiên cứu cơ bản, VAST cũng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và có 52 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích trong năm 2019, một số viện như Viện Khoa học vật liệu, Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng... thường chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, nhìn nhận lại các kết quả đã đạt được, GS Châu Văn Minh cho rằng VAST vẫn chưa có những nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội, tương xứng với tầm vóc của Viện. Đây sẽ là mục tiêu mà VAST cần thực hiện được trong thời gian tới.