Việc làm và an sinh xã hội là hai nhóm nội dung lớn mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung đưa ra giải pháp nhằm thích nghi với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ngày 28/9/2018, Bộ KH&CN đã có buổi làm việc vớiBộ LĐ-TB&XHdo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, làm trưởng đoàn. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ KH&CN với các Bộ, Ngành về tình hình triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4và trao đổi về các nội dung, nhiệm vụ dự kiến sẽ đề xuất đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Châu
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Châu

Báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Đào Văn Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết: ngoài các giải pháp chung, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao hai nhiệm vụ, đó là, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của CMCN 4.0. Thứ hai là nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội.

Theo đó, với nhóm các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, Bộ LĐ- TB&XH đã triển khai phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2017, Bộ này đã phê duyệt Dự án “Ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục nghề nghiệp”; triển khai xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dạy nghề và hệ thống quản lý thông tin các trường nghề”. Với lĩnh vực việc làm, Bộ đã hoàn thiện xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động đặt tại Bộ LĐ- TB&XH. Bên cạnh đó, Cục Việc làm đã xây dựng cơ sở dữ liệu cung-cầu lao động với khoảng 70 triệu người (tương đương với 20 triệu hộ gia đình) và 400.000 doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm bảo hiểm thất nghiệp để các Trung tâm Dịch vụ việc làm xử lý, giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động thất nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Đối với việc xây dựng chính phủ điện tử, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được một số kết quả nhất định trong cải cách và hiện đại hóa thủ tục hành chính, cũng như trong công tác tổ chức xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách, quản lý đối tượng trong từng lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tuy nhiên, chính Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, việc xây dựng Chính phủ điện tử còn mang tính chủ quan và thiếu đồng bộ, vẫn còn “tụt hậu” cho với nhiều bộ, nhành khác. Để đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ LĐ- TB&XH đã ban hành Quyết định số 2115/QĐ- LĐTBXH phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ LĐ-TB&XH phiên bản 1.0. Đây là cơ sở để các đơn vị trong Bộ định hướng triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ và trong toàn ngành trong thời gian tới.

Đào tạo và đào tạo lại người lao động thích ứng với CMCN 4.0 là một trong những nhiệm vụ đang đặt ra đối với ngành LĐ- TB&XH
Đào tạo và đào tạo lại người lao động thích ứng với CMCN 4.0 là một trong những nhiệm vụ đang đặt ra đối với ngành LĐ- TB&XH.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng xác định trong thời gian tới, công tác đổi mới giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục có những bước đột phá trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhiệm vụ cũng rất quan trọng nữa cũng được Bộ này xác định đó là công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp khắc phục giảm thiểu tác động ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến thị trường lao động và an sinh xã hội. Bộ chủ trì xây dựng báo cáo “Đánh giá về cơ hội, thách thức, tác động của CMCN 4.0 đến lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam”; phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai nghiên cứu “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới”…

Tại buổi làm việc, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất 7 đề án/nhiệm vụ tập trung vào hai lĩnh vực việc làm và an sinh xã hội, để đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Cụ thể bao gồm: Đề án phát triển thị trường lao động nhằm hỗ trợ đổi mới mô hình tăng trưởng và thích ứng với CMCN 4.0; Đề án tổ chức đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với CMCN 4.0; Đề án dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành nghề và trình độ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong CMCN 4.0; Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”; Nghiên cứu, đề xuất giảm giờ làm việc trong các doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm và tăng tuổi thọ lao động trong điều kiện CMCN 4.0; Nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; Dự án tiền khả thi về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.