“Loạn” thực phẩm gắn mác hữu cơ hiện nay đang là khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Vì vậy, để tạo niềm tin vững chắc cho người sản xuất và tiêu dùng thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài phải được chứng nhận là NNHC, còn phải được chứng nhận truy xuất nguồn gốc (TXNG) từ một bên thứ ba độc lập.

Đó là chia sẻ của ông Trần Quốc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) tại Hội thảo "Các giải pháp KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức ngày 30/8 tại TPHCM.

Ông Dũng cho biết, diện tích đất sản xuất NNHC ở Việt Nam hiện có gần 77 ngàn ha, chỉ chiếm 0,28% diện tích đất nông nghiệp toàn quốc. NNHC được phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây, chủ yếu là trồng trọt để xuất khẩu. Người dân ít có cơ hội sử dụng các sản phẩm hữu cơ thật sự vì giá thành tương đối cao.

Ông
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Giám đốc Quacert

Việt Nam là nước có nhiều thuận lợi trong sản xuất NNHC như khí hậu nóng ẩm, cây trồng phát triển quanh năm, hệ động thực vật đa dạng, dễ thiết lập hệ sinh thái,... Tuy nhiên, cũng không ít khó khăn trong sản xuất NNHC như phải có kinh nghiệm sản xuất, hiểu biết về sinh vật để điều hành hệ sinh thái, nhiều loại sâu bệnh, năng suất thấp, chi phí đầu tư, sản xuất lớn, nguồn giống chủ yếu phải nhập khẩu, hình thức sản phẩm không đẹp,...

"Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải từ các yếu tố khách quan hay kỹ thuật đến từ người sản xuất, mà là tình trạng "loạn" thực phẩm được gắn mác hữu cơ như hiện nay. Điều này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh NNHC thực sự" - ông Dũng nhấn mạnh và cho biết, hiện nay rất nhiều sản phẩm của Việt Nam không thể truy xuất được nguồn gốc, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm có gắn tem và quảng cáo là TXNG, nhưng các thông tin mới chỉ đơn giản như tên công ty, ngày sản xuất chứ chưa truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra, nhiều sản phẩm có thông tin truy xuất chưa có sự xác nhận khách quan mà do doanh nghiệp tự làm, tự gắn mác. Bên cạnh đó, có sản phẩm truy xuất được nguồn gốc nhưng theo cách ghi chép thủ công hoặc cập nhật vào các biểu mẫu trong máy tính.

Truy xuất nguồn gốc cần phải được chứng nhận từ bên t
Chứng nhận TXNG sản phẩm phải được thực hiện bởi bên thứ ba độc lập

Vì vậy, theo ông Dũng, một cơ sở sản xuất ngoài việc được chứng nhận NNHC cần phải chứng nhận TXNG sản phẩm theo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu thô đến người dùng. Đồng thời, truy xuất phải theo tiêu chuẩn được thừa nhận GS1 (Hiệp hội mã số châu Âu). Việc truy xuất này phải được chứng nhận bởi bên thứ ba độc lập mới đảm bảo sự công bằng, khách quan và trung thực.

Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM thì cho rằng để đáp ứng yêu cầu quốc tế về TXNG cần sử dụng công nghệ blockchain do công nghệ này đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, không sửa chữa được dữ liệu. Ngoài ra, các địa phương cần mạnh dạn đẩy mạnh việc áp dụng TXNG, đặc biệt là những sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu, không nên ngồi đợi các văn bản ban hành tiêu chí xây dựng mới thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL
Ông Nguyễn Văn Vinh - Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL

Ông Trần Văn Vinh – Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết thêm, ngày 19/1/2019 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án 100), nhằm nâng cao, đản bảo an toàn chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tổng cục TCĐLCL là cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN quản lý nhà nước về hoạt động TXNG, chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án. “Tổng cục TCĐLCL đang xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai, thực hiện Đề án 100. Dự kiến cuối năm 2019, các văn bản này sẽ được trình Bộ KH&CN phê duyệt ban hành” – ông Vinh nói.

Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án 100) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/1/2019. Mục tiêu cụ thể của Đề án 100 là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ triển khai, áp dụng hệ thống TXNG đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm, thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hàng Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Giai đoạn đến năm 2025: Tối thiểu 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống TXNG áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thóng TXNG của các bộ, cơ quan liên ngành và ít nhất 70% trong số tổng các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KHCN để phát triển các giải pháp, công nghệ (blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong TXNG.