Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình đã nghiên cứu và triển khai thử nghiệm mô hình thủy canh nước sâu tại Củ Chi, TPHCM.

Ông Phạm Thạnh Lộc – Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình (Củ Chi) cho biết, thủy canh nước sâu hay còn gọi là thủy canh bọt, thủy canh bè, trong đó các cây được trồng trên mặt một bể chứa giàu chất dinh dưỡng. Mô hình này có nhiều ưu điểm về năng suất và khả năng phòng chống bệnh cho cây trồng. Trong canh tác nước sâu, mọi dinh dưỡng đều được cung cấp sẵn cho cây trồng, chúng hút trực tiếp và lớn nhanh, năng suất cao hơn 25% so với canh tác thông thường.

Mô hình trồng rau TCNS của .. hoàn toàn tự động
Mô hình trồng rau thủy canh nước sâu hoàn toàn tự động của Công ty Dry Hydroponics (Hà Lan)

Mô hình này được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp chuyên canh rau lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan đã cải tiến áp dụng đại trà và tự động hóa hoàn toàn công nghệ này như Công ty Dry Hydroponics, Viscon Hydroponics,… Hiện nay ở Việt Nam đang triển khai nhiều mô hình trồng rau thủy canh như khí canh, thủy canh màng mỏng, hồi lưu, tĩnh,… Nhưng mô hình thủy canh nước sâu lại ít được quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển.

Theo ông Lộc, ưu điểm của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu thấp, dễ dàng áp dụng hệ thống trồng, chăm sóc, quản lý, thu hoạch tự động hóa hoàn toàn so với mô hình thủy canh dạng ống nằm ngang đang được triển khai đại trà ở trong nước. Mô hình thủy canh ống nằm ngang rất khó có thể tự động hóa nên tốn khá nhiều cho chi phí nhân công trồng, thu hoạch và quản lý trang trại.

Mô hình trồng rau TCNS của Công ty Thanh Bình thử nghiệm tại Củ Chi
Mô hình TCNS của Công ty Nông nghiệp CNC Thanh Bình trồng thử nghiệm tại Củ Chi

“Hai mô hình này đều cho năng suất, chất lượng tương đương nhau, nhưng nếu thủy canh nước sâu nếu được trồng tự động hóa hoàn toàn thì giảm được chi phí nhân công khá nhiều” – ông Lộc nói.

Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình đã nắm bắt được nhiều vấn đề cốt lõi của công nghệ thủy canh nước sâu và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các địa phương. Ông Lộc cho biết thêm, hiện Công ty đang cùng với các đối tác tại Củ Chi triển khai mô hình này vào thực tế.

Do thủy canh nước sâu phải sử dụng diện tích đất lớn, nên mô hình này phù hợp với những vùng nông thôn nhiều đất, ít vốn. "Tuy nhiên, để tuyên truyền, thuyết phục được bà con nông dân tin tưởng và triển khai mô hình này thay cho mô hình trồng rau truyền thống là vấn đề không dễ dàng, thậm chí khó hơn cả so với việc nghiên cứu công nghệ” - ông Lộc chia sẻ.