TPP tạo ra thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, đó là việc tuân thủ luật chơi chung toàn cầu mang tính khắc nghiệt nhiều lần so với WTO.

Thông tin này được giới chuyên môn đưa ra tại hội nghị Phát triển gia công CNTT Việt Nam – VNITO 2015 do Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Hội tin học Tp.HCM (HCA) tổ chức ngày 15/10/2015 tại Tp.HCM.
Khi hiệp định TPP đã đạt được sự thống nhất, giúp cho các phần mềm Việt Nam mở rộng thị trường, tạo thêm nhiều thuận lợi cho các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, internet,...Đặc biệt, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi mà Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia mà Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp không tham gia TPP.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc QSTC, TPP cũng tạo ra thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Đó là việc tuân thủ luật chơi chung toàn cầu mang tính khắc nghiệt nhiều lần so với WTO, nhất là việc tuân thủ sở hữu trí tuệ, khả năng thu hút nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.
Thách thức này càng lớn hơn khi qua khảo sát 80 doanh nghiệp làm phần mềm tại Khu công viên phần mềm Quang Trung, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhỏ, doanh thu chỉ dưới 50 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít, trình độ tiếng Anh còn nhiều hạn chế.
Một trong những giải pháp đó chính là thông qua những hoạt động như VNITO 2015, giúp các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tăng cường liên kết chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin hiệu quả, cùng hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh nhằm nâng tầng ảnh hưởng của Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.
Theo ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tp.HCM, để vượt qua thách thức này, chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực. Đó là cần cơ chế hỗ trợ cho những người làm việc trong lĩnh vực CNTT, như giảm thuế thu nhập cá nhân, cải cách các thủ tục hành chính.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các trường đại học để đưa ra các chương trình đào tạo cụ thể cho sinh viên. Doanh nghiệp có thể trực tiếp tham gia giảng dạy, viết các chương trình đào tạo phù hợp với thực tế để giải quyết bài toán nhân lực còn hạn chế hiện nay.