3 triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được đồng thời tổ chức từ ngày 11 - 13/10/2018 tại TPHCM nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực này.

3 triển lãm: "Supporting Industry Show 2018”, MATELEX (giải pháp gia công kim loại), và NEPCON (công nghệ và giải pháp cho ngành điện tử) sẽ có sự tham gia của gần 500 thương hiệu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự kiện do Công ty Reed Tradex phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM tổ chức.

Dầu cắt gọt pha nước, hệ thống đo hình ảnh, máy gia công dọc, các dụng cụ điện, máy tiện CNC, thẻ thông minh, cảm biến lưu lượng, công nghệ và thiết bị hàn bề mặt, thiết bị đo lường và kiểm tra,... là những thiết bị, công nghệ nổi bật sẽ được giới thiệu, trình diễn.

B
Cao Thị Phi Vân chia sẻ về ngành công nghiệp hỗ trợ TPHCM

Tại buổi công bố triển lãm vào ngày 26/7, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí mới chủ yếu phục vụ sản xuất các sản phẩm liên quan đến cơ khí gia dụng, sửa chữa, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu; các thiết bị tự động hóa, công nghệ cao còn ít. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô chỉ ở mức trung bình khá, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành.

“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2018 là cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận với các thiết bị tiến tiến, công nghệ hiện đại, tìm kiếm các đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh trong tương lai” – bà Vân nói.

Triễn làm ngành công nghiệp hỗ trợ 2017
Triển làm ngành công nghiệp hỗ trợ 2017.

Theo ông Lưu Hoàng Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - tổng số doanh nghiệp trong nước hiện tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 661, trong đó số doanh nghiệp thuộc ngành điện tử là nhà cung cho các doanh nghiệp FDI không nhiều. "Con số này ít một phần do sự hiểu biết giữa hai bên còn hạn chế. Vì vậy, việc kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa là rất cần thiết" - theo ông Long.

Trong khi đó, ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM - cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trung bình của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam năm 2017 là 33,2%, theo khảo sát của JETRO. "18 công ty lớn đến từ Nhật Bản với tư cách là người mua hàng, cùng 30 công ty của Việt Nam tham dự triển lãm như nhà cung cấp sẽ được kết nối để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa" - ông Takimoto Koji nói.