Hầu hết các ngành công nghiệp của TPHCM đều không được đáp ứng nhu cầu về nhân lực, đặc biệt là 4 ngành chủ lực (nhựa – bao bì, dệt may – giầy da, điện – điện tử, và công nghệ thông tin).

Thông tin trên được ông Phan Tuấn Anh – Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam Bộ cho biết tại Hội thảo “KHXH và phát triển bền vững vùng Nam Bộ” do Viện KHXH vùng Nam Bộ tổ chức ngày 23/11 tại TPHCM.

Thiếu hụt lao động kỹ thuật lành nghề

Theo ông Tuấn Anh, ngoại trừ các ngành như công nghệ thực phẩm, hóa chất – hóa dược – mỹ phẩm, công nghệ sinh học, hầu hết các ngành công nghiệp của TPHCM đều không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhân lực, đặc biệt là 4 ngành chủ lực (nhựa – bao bì, dệt may – giầy da, điện – điện tử, công nghệ thông tin).

Cụ thể, theo báo cáo về thị trường lao động của Trung tâm Dự báo nhân lực TPHCM năm 2017, ngành công nghệ thông tin cần gần 12.000 người, nhưng nguồn cung nhân lực chỉ có khoảng hơn 3.000 người, đáp ứng được 28% nhu cầu. Ngành dệt may – giầy da chỉ đáp ứng được 9,26%; ngành nhựa – bao bì gần 6%.

Cũng theo báo cáo này, một số ngành đang thừa nguồn cung nhân lực như công nghệ thực phẩm (137,8%); hóa chất – hóa dược – mỹ phẩm (192%); công nghệ sinh học (281%).

Thợ kỹ thuật lành nghề đang được nhiều doanh nghiệp tại TPHCM săn đón
Lao động kỹ thuật lành nghề đang được nhiều doanh nghiệp săn đón

Mặt khác, cơ cấu trình độ lao động chuyên môn kỹ thuật (LĐCMKT) ở TPHCM năm 2017 là 54 đại học/19,8 cao đẳng/9,34 trung cấp, so với quy chuẩn của khu vực châu Á hiện nay là 1 đại học/4 cao đẳng/ 10 trung cấp. “Như vậy, lực lượng chuyên viên kỹ thuật bậc cao đẳng, trung cấp, một mắt xích quan trọng trong phát triển công nghiệp, chỉ chiếm tỷ lệ 29,14%" - ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh còn cho biết, riêng ở 4 ngành trọng yếu kể trên tại TPHCM, công nhân kỹ thuật lành nghề, lao động chuyên môn trình độ trung cấp và cao đẳng là những phân khúc đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của thị trường chỉ đạt từ 6 – 15,3%. Điển hình như Công ty Cổ phần nhựa Rạng Đông luôn thiếu thợ lành nghề sản xuất trực tiếp. Vị trí tổ trưởng các khâu như in, tráng, thổi, cắt dán,…rất khó kiếm người tốt nghiệp trung cấp hay thợ lành nghề để quản nhóm. Trong khi đó, người có trình độ đại học (lao động gián tiếp), lại không thiếu, có thể dễ dàng tuyển dụng.

Từ nghiên cứu thực trạng LĐCMKT của TPHCM, ông Tuấn Anh đề xuất, cần phát triển hệ thống dự báo, cung cấp thông tin về thị trường lao động; thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và tập trung nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo LĐCMKT bằng cách chủ động liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo đúng nhu cầu, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên vừa học vừa làm tại cơ sở sản xuất.

Già hóa dân số

Bên cạnh việc thiếu hụt lao động kỹ thuật lành nghề, vấn đề già hóa dân số ở TPHCM nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung cũng đang là một thách thức.

ThS. Lê Văn Thành – Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, hiện nay trên địa bàn TPHCM có trên 500 nghìn người cao tuổi. Độ tuổi của người cao tuổi ngày càng cao và đặc biệt, có nhiều người mắc bệnh mãn tính, thậm chí nhiều bệnh cùng một lúc. Già hóa dân số đang trở thành vấn đề bức thiết của TPHCM và sẽ diễn ra rất nhanh trong điều kiện mức sinh giảm sâu xuống dưới mức sinh thay thế (mức sinh 1,39 con, so với mức sinh thay thế khoảng 2,1 con). “Điều này gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế, nhu cầu mới về hạ tầng cơ sở, các dịch vụ an sinh xã hội. Trong khi đó, TPHCM chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này để chuẩn bị đối phó” – ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo nghiên cứu của bà Nguyễn Đặng Minh Thảo – Viện KHXH vùng Nam Bộ, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam năm 2014 là 7,1% và vùng Tây Nam Bộ là 7,7%. Điều này chứng tỏ dân số Việt Nam đã chạm ngưỡng dầu của “già hóa dân số”. Vì vậy, Việt Nam không còn nhiều thời gian chuẩn bị vào giai đoạn già hóa dân số, cần phải hoạch định những chiến lược, chính sách thực tế, xác đáng để thích ứng với tình hình này, theo bà Thảo.

Nhiều vấn đề về phát triển bền vững vùng Nam Bộ được thảo luận tại Hội thảo
Nhiều vấn đề về phát triển bền vững vùng Nam Bộ được thảo luận tại Hội thảo

Theo TS. Lê Thanh Sang – Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ, vùng Nam Bộ đang có sự tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững và không đều, tính liên kết còn thấp giữa các địa phương. Tăng trưởng xanh và tiêu dùng xanh là các mục tiêu cơ bản trong phát triển bền vững nhưng còn xa vời so với thực tế hiện nay. Ngoài ra, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa quá mức, bất bình đẳng xã hội, di dân, văn hóa, tôn giáo, … cũng là những thách thức đối với sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ hiện nay.

TS. Sang cho biết, 10 năm qua, các cơ quan đã có nhiều nghiên cứu về phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006 – 2017, Viện KHXH vùng Nam Bộ đã thực hiện 159 nhiệm vụ nghiên cứu các cấp, góp phần gắn kết các lĩnh vực nghiên cứu KHXH với phát triển bền vững vùng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chưa được vận dụng vào thực tiễn.

“Thời gian tới, nghiên cứu về KHXH với sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ cần phát triển các nghiên cứu mới như về biển đảo, nghiên cứu liên ngành, xây dựng các hệ thống chỉ báo để giám sát đánh giá, tư vấn chính sách dựa trên bằng chứng,…” – TS. Sang nói.