290 tỷ đồng là giá trị sở hữu trí tuệ đối với 21 bộ sản phẩm vi mạch và các sản ứng dụng do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) công bố ngày 6/7/2017 tại TPHCM.

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC cho biết - kết quả này được Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) định giá độc lập.

Dựa vào các nguồn đầu tư từ Bộ KH&CN, cũng như các chương trình nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020, Trung tâm ICDREC đã hình thành lên các sản phẩm vi mạch có giá trị về mặt thương mại.

Các sản phẩm được định giá gồm: các chip vi xử lý 8 bít và 32 bit; các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8 bit và 32 bit;các lõi IP xử lý tín hiệu số và xử lý nhanh; các lõi IP chip Analog và Mix-signal và các sản phẩm được ứng dụng gồm điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình, sản phẩm ứng dụng RFID, hệ thống đèn chiếu sáng.

Ông Phạm Hồng Bách trao chứng nhận định giá cho ông Ngô Đức Hoàng
Ông Phạm Hồng Bách (thứ 2 từ bên phải) trao chứng nhận định giá cho ông Ngô Đức Hoàng trước sự chứng kiến của ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TPHCM (thứ 2 từ bên trái)

Với kinh phí đầu tư từ Bộ KH&CN và Sở KH&CN TPHCM là 213 tỷ đồng thì giá trị công nghệ hiện ICDREC đang sở hữu là 290 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các sản phẩm vi mạch là 252 tỷ đồng và các sản phẩm ứng dụng là 38 tỷ đồng.Trong khoảng 5 năm qua, số tiền ICDREC thu được từ chuyển giao công nghệ là gần 69 tỉ đồng.

Hiện nhiều sản phẩm chip của ICDREC đã được ứng dụng cụ thể trong các thiết bị như: Thiết bị thu thập dữ liệu điện kế từ xa; Điện kế điện tử; Thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; Hộp đen xe máy; Khóa container; Đầu đọc và thẻ RFID; Thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ…

Chip vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam
Chip vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam

Ông Phạm Hồng Bách - Giám đốc Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - cho biết, trong quá trình định giá các sản phẩm của ICDREC, Viện đã không sử dụng bất kỳ một chuyên gia nào có liên quan đến ICDREC để có kết quả khách quan. Việc đánh giá này, Viện đã mời 4 chuyên gia về kỹ thuật, 2 thẩm định viên liên quan đến tài chính, vì vậy kết quả định giá là khách quan, chính xác - ông Bách khẳng định.

Không chỉ giúp Việt Nam ghi tên vào danh sách những nước thiết kế vi mạch của thế giới, những kết quả mà ICDREC đạt được còn góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng để ngày càng nhiều công ty thiết kế vi mạch danh tiếng thế giới đầu tư mở rộng phát triển tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - phát biểu tại sự kiện.

Theo ông Hoàng, trong thời gian tới, ICDERC hướng tới đạt tiêu chuẩn là một tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến của Sở KH&CN TPHCM đưa ra và hình thành trung tâm thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, tiêu chí tỷ lệ giữa đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, sản xuất cung ứng, ICDREC mới chỉ đạt 46% (yêu cầu của mô hình là trên 50%). Trong khi đó, quá trình chuyển giao công nghệ, sản xuất chưa bền vững, các lõi IP được thiết kế ở công nghệ thấp, chưa tạo ra giá trị thương mại cao và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các lõi IP từ các trung tâm, viện, trường đại học,… chưa được quản lý một cách tập trung.

Ông Hoàng mong muốn được nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các sản phẩm vi mạch và ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí để chuyển đổi thiết kế vi mạch sang công nghệ mới SOTB nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn.