Dự án Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM đã được Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua đầu tư xây dựng nhằm hỗ trợ, kết nối các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST. Dự án có tổng mức đầu tư 323 tỷ đồng và dự kiến khởi công vào đầu năm 2020 tại địa chỉ 123 Trương Định, Quận 3.

Tại Hội thảo Tham vấn xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 17/7, bà Phan Quý Trúc, Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN TPHCM, cho biết, với diện tích dự kiến khi hoàn thành là hơn 20.000m2, Trung tâm được phân thành nhiều khu vực: Hoạt động chung (đào tạo, tập huấn, sự kiện,…); Khu ươm tạo, phòng thí nghiệm; Khu vực văn phòng;… Trong đó, khu hoạt động chung do Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng, các khu còn lại sẽ do cộng đồng đầu tư. Trung tâm có chức năng tổ chức đầu mối về khởi nghiệp ĐMST của thành phố; kết nối các hoạt động khởi nghiệp ĐMST; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ KH&CN, quản trị tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình kinh doanh... Trung tâm cũng là đầu mối hợp tác quốc tế về khởi nghiệp ĐMST.

Bà Phan Quý Trúc giới thiệu về Dự án Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM
Bà Phan Quý Trúc giới thiệu về Dự án Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM

“Trung tâm sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công - tư. Nhà nước chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, đất đai; khối tư nhân sẽ tham gia hoạt động ươm tạo, quỹ đầu tư, doanh nghiệp,…” – bà Trúc nói.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia khởi nghiệp, việc xây dựng và hoạt động của Trung tâm cần phải kết nối với những định hướng ngắn, trung và dài hạn của TPHCM nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ngoài ra, Trung tâm không chỉ là nơi dành riêng cho những startup trong nước mà còn phải kết nối các doanh nghiệp lớn của quốc tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong nước.

“Việc xây dựng Trung tâm trước tiên phải xác định rõ mục tiêu vì lợi nhuận hay chỉ là nơi hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST” – ông Tuấn Anh nói và cho rằng cần phải đấu thầu công khai, minh bạch khi xây dựng để tạo được giá trị tốt nhất cho cộng đồng. Khi đi vào hoạt động nên lấy một mô hình như vườn ươm để thử nghiệm trước.

Đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng Trung tâm
Đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng Trung tâm

Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch VM Group, cũng cho rằng, Trung tâm cần xác định rõ, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nào để kêu gọi đầu tư. Theo ông Huy, cần ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề chủ lực mà thành phố đã đề ra và có những đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Khi thiết kế công năng của tòa nhà, cần xác định rõ chức năng của từng tầng, từng khu vực theo đặc thù riêng của từng lĩnh vực, ngành nghề. “Xác định Trung tâm được xây dựng theo mô hình hợp tác công – tư thì phải rõ ràng về mặt pháp lý. Nhà nước chỉ nên cung cấp một số nền tảng cơ bản, để doanh nghiệp chủ động và tự chịu trách nhiệm hoạt động của mình” – ông Huy nhấn mạnh.

Ông Lý Trường Chiến, Group Trí Tri, thì cho rằng, Trung tâm cần phải đầu tư chiều sâu có hiệu quả ở các phòng lab theo định hướng của thành phố. Ví dụ như TPHCM xây dựng thành một thành phố thông minh, thì những phòng lab này được đầu tư như thế nào để có thể đáp ứng được định hướng đó. Theo ông Chiến, TPHCM nên theo mô hình của Syndney (Úc), có bộ phận quản lý, điều hành tổng quát, nhưng không can thiệp quá sâu vào các hoạt động của Trung tâm cũng như các thành phần đầu tư khác.

Ngoài ra, một số ý kiến khác đề xuất khi xây dựng Trung tâm phải đem lại cảm hứng cho cộng đồng, mời thêm các chuyên gia quốc tế để phản biện, xác định startup là đối tượng chính cần được hỗ trợ,…

Sở KH&CN TPHCM đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý,… từ đó tham mưu cho Thành phố Trung tâm sớm được xây dựng và vận hành.