Đại diện gia đình giáo sư Hoàng Phê vừa trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 2.000 tài liệu hiện vật, bao gồm hơn 400 bức thư, hơn 200 bản thảo sách, bài viết, sổ ghi chép, sách chuyên môn, kỷ vật…

Bà Hoàng Châu Thanh – con gái GS Hoàng Phê - trao tặng hiện vật của cha mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Hoàng Phê (1919-2019), vào ngày 9/11, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận khối tài liệu - hiện vật của Giáo sư do gia đình hiến tặng.

Những vật dụng hằng ngày của GS Hoàng Phê: Đai lưng hỗ trợ cột sống được GS sử dụng khi điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Kính mắt của GS mua tại Tiệp Khắc... Ảnh:Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Tại buổi lễ, bà Hoàng Châu Thanh – con gái của GS Hoàng Phê - xúc động chia sẻ: “Tôi đã giữ gìn toàn bộ những hiện vật của cha mình một cách cẩn thận, nhưng cũng không biết mình sẽ làm gì với chúng. Ngày hôm nay, khi trao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam Trung tâm di sản của cha mình, tôi tin rằng đây sẽ là nơi lưu trữ và phát huy tốt nhất những di sản mà ông để lại.”

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) cho biết, “Cuối năm 2018, gia đình GS Hoàng Phê đã trao tặng toàn bộ 2.000 tài liệu - hiện vật gắn bó với ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đó là quyết định không hề dễ dàng, mà đã được gia đình GS Hoàng Phê suy nghĩ, đắn đo trong suốt 6 năm làm việc với chúng tôi. Hôm nay, chúng ta có cơ hội nhìn nhận lại những cống hiến không biết mệt mỏi, những đóng góp to lớn của Giáo sư cho ngành ngôn ngữ Việt Nam. Tôi muốn chúng ta cùng nhìn nhận về vai trò, tầm ảnh hưởng và tính cách con người của Giáo sư thông qua những tài liệu, hiện vật mà Trung tâm đã tiếp nhận. Đó đều là những vật chứng biết nói, bởi đằng sau chứa đựng biết bao câu chuyện, sự kiện lịch sử và khoa học.”

Trong số những tài liệu, hiện vật mà Trung tâm tiếp nhận, có bộ sưu tập tài liệu về vấn đề chữ quốc ngữ vô cùng giá trị, bao gồm bản thảo “Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ” dài 32 trang gửi Ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946. Đây là vấn đề mà ông Hoàng Phê dành nhiều tâm huyết nghiên cứu từ khi còn dạy học ở Sài Gòn. GS.TS Đoàn Thiện Thuật, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét: “Đọc bản thảo năm 1946 của GS Hoàng Phê, khi ông ở tuổi 27, lại không qua đại học về chuyên ngành Ngôn ngữ học, nhưng tôi thấy người viết có một vốn kiến thức uyên bác khi dẫn ra những đề nghị cải cách trước kia của cả người Pháp lẫn người Việt. Một nhà ngôn ngữ học khó tính ngày nay khi xem xét những đề nghị cải cách của ông ở đây cũng phải coi là thỏa đáng. Bản thảo này là cơ sở để ông kế thừa, phát triển các nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ về sau".

Là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngành Ngôn ngữ học ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, nhất là trong lĩnh vực Từ điển học, những tài liệu ông để lại cũng giúp chúng ta hiểu hơn về tiến trình phát triển của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Công trình Từ điển tiếng Việt do ông chủ biên, xuất bản lần đầu năm 1988, đến nay vẫn được coi là công trình mẫu mực và đáng tin cậy. Bằng việc ứng dụng lý thuyết mới trong ngôn ngữ học và đưa tin học vào biên soạn từ điển, ông cho ra đời nhiều công trình có giá trị, đặt nền tảng cho nghiên cứu ngữ nghĩa tiếng Việt, đồng thời có ý nghĩa thực tiễn to lớn phục vụ công tác biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt và công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Những tư liệu, hiện vật được gia đình GS Hoàng Phê trao tặng bao gồm bản thảo sách, vở ghi chép, tham luận, bài viết, công văn, thư từ, sách, báo…

Trong bộ sưu tập này còn có những tài liệu quý, như cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ về công tác xây dựng, đào tạo cán bộ cho Viện Ngôn ngữ học thuở ban đầu, hay sưu tập băng cassette dùng học tiếng Anh, sách vở học tiếng Hán, tiếng Nga từ năm 1954...

Hơn 200 bản thảo sách, bản thảo bài viết về từ điển tiếng Việt, từ điển vần, chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, đều là minh chứng cho quá trình lao động khoa học miệt mài cùng sự trăn trở của ông với tiếng mẹ đẻ.

Hàng trăm bức thư của độc giả góp ý cho cuốn Từ điển tiếng Việt, thư trao đổi giữa GS Hoàng Phê với đồng nghiệp trong và ngoài nước, cho thấy đằng sau mỗi công trình khoa học là cả hành trình gian nan và lao động kiên trì của nhà khoa học.

Tất cả những tư liệu đó sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời ông, về quá trình lao động khoa học nghiêm túc, nhất là trong việc cải tiến chữ quốc ngữ, từ đó giúp những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học làm sáng tỏ nhiều vấn đề chuyên môn trong thời gian tới. Đó còn là một nguồn tư liệu để tìm hiểu về lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc qua cuộc đời một con người.