"Không nhất thiết phải có bằng sáng chế mới thương mại hóa, mà quá trình này có thể được diễn ra ngay từ khi có ý tưởng" - bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN TPHCM nói tại Tọa đàm "Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa đối với sáng chế" ngày 28/2.

Theo bà Như,sáng chế có thể thương mại hóa ngay từ khi có ý tưởng hoặc sau khi đơn đăng ký sáng chế được công bố. Tuy nhiên, thời điểm an toàn nhất là ngay sau khi có văn bằng bảo hộ. Chủ sở hữu sáng chế có thể tự mình khai thác thương mại, chuyển giao cho người khác khai thác hoặc thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng sáng chế.

Bà Hoàng Tố Như cho biết, tại TPHCM, từ năm 2008 đến 2016 có 1.635 đơn đăng ký sáng chế, 251 văn bằng được cấp. Đã có nhiều những kết quả thương mại hóa sáng chế tương đối khả quan, nhưng chỉ tập trung tại một số trường, viện và một số đơn vị như ĐH Bách khoa, ĐH Nông lâm, ĐH Công nghệ TPHCM… Những sáng chế này có thể do tác giả tự đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chào bán nên chưa xác định đúng giá trị thương mại thực tế của nó. Có trường hợp tác giả tự đứng ra đăng ký sáng chế, tự thương mại hóa mà không thực hiện nghĩa vụ ngân sách với nhà nước, nên dẫn đến tranh chấp.

Tại các doanh nghiệp, việc chuyển giao, thương mại hóasáng chế rất thưa thớt, chưa chủ động. Họ chủ yếu tự khai thác sáng chế mà hầu hết chưa đăng ký bảo hộ. Theo ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - nguyên nhân là doanh nghiệp chưa tin tưởng vào các nhà khoa học, sáng chế trong nước. Trong khi đó, các hành động của Nhà nước chưa đủ mạnh để khuyến khích, phát hiện sớm các sáng chế và hỗ trợ kịp thời. Việc tuyên truyền để cộng đồng, doanh nghiệp biết đến các sáng chế và đặt hàng cũng được làm chưa tốt.

Nhiều ý kiến được chia sẻ tại buổi Tọa đàm
TS. Huỳnh Quyền - ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Để thương mại hóa sáng chế thành công, theo bà Phan Thị Kim Loan (Công ty KH&CN Ngân Hà), cho rằng Sở KH&CN TPHCM hỗ trợ về thủ tục, kinh phí đăng ký hay giới thiệu đến cộng đồng, tạo mối liên kết giữa các nhà sáng chế với đầu tư và doanh nghiệp.

TS Huỳnh Quyền - Phó trưởng Ban KH&CN, ĐH Quốc gia TPHCM - thì cho rằng, các doanh nghiệp cần có chuyên gia thực thụ giúp họ giải quyết các bài toán về công nghệ, phát triển sản phẩm. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp tìm được đúng chuyên gia mình cần. Ngoài ra, cần thống kê đầy đủ, kịp thời và truyền thông rộng rãi các đề tài, dự án KH&CN, sáng chế để doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm.

Về vấn đề tránh rủi ro khi thương mại hóa, bà Tố Như cho rằng cần khuyến khích các chủ thể sáng chế đăng ký trong hoặc ngoài nước. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư - nhà sáng chế - doanh nghiệp để phát huy tối đa lợi thế các nhân tố tạo ra giá trị thương mại của sáng chế.