Theo TS Đỗ Ngọc Chung - người đã nghiên cứu và thương mại hóa thành công thiết bị làm giá đỗ - cho rằng, các nhà khoa học mải quan tâm tới sản phẩm mà quên mất việc phải làm sao để bán hàng. Thực tế, mô hình bán hàng quan trọng hơn sản phẩm rất nhiều.

Sáng 16/8, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Cục PTTTDN), Bộ Khoa học và Công nghệ, đã phối hợp với Viện hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh đã tổ chức hội thảo trong khuôn khổ Chương trình "Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học" (Chương trình Learders in Innovation Fellowships - LIF).

TS Đỗ Ngọc Chung chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Ảnh: NV
TS Đỗ Ngọc Chung chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Ảnh: NV

Một trong những diễn giả chính tại sự kiện này là TS Đỗ Ngọc Chung - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, người được biết đến nhiều qua máy làm giá đỗ đến nay đã bán được khoảng 1 triệu sản phẩm ra thị trường.

Theo TS Chung, ở Việt Nam còn thiếu sự kết hợp giữa nhà khoa học và người bán hàng. Nhà khoa học vô cùng vất vả để nghiên cứu ra một sản phẩm tốt nhưng rồi không biết làm thế nào để bán được hàng.

"Chúng ta luôn nghĩ sản phẩm muốn bán được phải thật tốt, mẫu mã đẹp. Nếu vậy, chúng ta không bao giờ cạnh tranh được với các nhà sản xuất chuyên nghiệp trên thế giới. Điều quan trọng là đưa được sản phẩm tới tay người thực sự cần nó. Nhà khoa học có sản phẩm phải nghĩ tới việc tiêu thụ, sản phẩm tốt hay không sẽ cải tiến sau" - ông Chung nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm, TS Chung khẳng định, để việc nghiên cứu và kinh doanh trở thành một chuỗi liên kết thì mô hình kinh doanh quan trọng hơn sản phẩm nghiên cứu. Người bán hàng sẽ hỗ trợ nhà khoa học đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Ngược lại, nhà khoa học cũng phải đặt mình vào địa vị nhà thương mại. Nhiều nhà khoa học cho rằng mình không có kỹ năng bán hàng và phó thác việc bán hàng cho bộ phận kinh doanh.

"Phải nghĩ rằng, nếu sản phẩm của mình mà chính mình không thuyết phục được người mua thì có thể bán được cho ai? Một người hiểu sản phẩm lại hiểu tâm lý khách hàng sẽ có cách khớp được quy trình đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường" - ông Chung nói.

Cùng quan điểm với TS Chung, ông Douglas Abrams – chuyên gia Hoa Kỳ về Đổi mới sáng tạo trong quản trị, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng mô hình kinh doanh chính là yếu tố làm nên thành công của một sản phẩm trên thị trường. Và ông dẫn ra ví dụ cụ thể về thành công của máy nghe nhạc bỏ túi iPod. Năm 1998, công ty đầu tiên cho ra mắt sản phẩm này là Diamond. 5 năm sau, Apple cho ra mặt máy nghe nhạc iPod và lập tức chiếm lĩnh tới 95% thị trường toàn cầu, đánh bật Diamond.

"Điểm khác biệt của Apple không nằm ở công nghệ mà nằm ở mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, độc đáo, sáng tạo. Nếu như Diamond chỉ chăm chăm phát triển phần cứng thì Apple lại phát triển cả một hệ sinh thái bao gồm phần cứng, phần mềm và các dịch vụ đi kèm. Apple không chỉ bán chiếc máy, họ bán cả âm nhạc cho người sử dụng" - ông Douglas Abrams nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ - Cục PTTTDN - lại nhấn mạnh những điều kiện tuy nhỏ nhưng quan trọng đối với thương mại hóa sản phẩm là nhóm tư vấn cho các nhà khoa học và các quỹ đầu tư.

Kể từ khi ra đời cách đây 5 năm, chương trình LIF đặt mục tiêu đào tạo nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế cho các nhà khoa học Việt Nam trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đối tượng thụ hưởng của chương trình là các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh cho các sản phẩm sáng tạo của mình.

Chương trình cho năm 2018 - 2019 được thiết kế gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đào tạo cơ bản về thương mại hóa kết quả nghiên cứu trước chuyến tập huấn tại Vương quốc Anh, do Cục PTTTDN phối hợp với các giảng viên đến từ Vương quốc Anh thực hiện.

Giai đoạn 2: Tập huấn trong 2 tuần từ 14-25/1/2019 tại London, Vương quốc Anh cho 14 nhà sáng chế Việt Nam và 1 đại diện của Cục PTTTDN, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế và sự bảo trợ của Viện hàn lâm.

Giai đoạn 3: Các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và kết nối tại Việt Nam cho các nhà sáng chế Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Cục PTTTDN và sự cộng tác của các Viện nghiên cứu/trường đại học có ứng viên tham gia.