Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, bởi vậy cần có những biện pháp mạnh mẽ để giảm chi phí logistics xuống hơn nữa.

Sáng 16/4, Hội nghị toàn quốc về logistics - Các giải pháp kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là một trong 15 Hội nghị chuyên đề được dự kiến tổ chức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, tháo gỡ các khó khăn về dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

Hội nghị toàn quốc về logistics do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức có sự tham gia của các bộ ngành trung ương và 63 tỉnh thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu/Báo Chính phủ

Chi phí logistics tương đương gần 21% GDP

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2014, chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 48/160 quốc gia, cao nhất trong các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, đến năm 2016, Việt Nam bị tụt 16 bậc, đứng thứ 64/160. Điều này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực logistic của các quốc gia trên thế giới.

Vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Viêt Nam còn ở mức cao, tương đương với 20,9% GDP, cao hơn so với các nước có trình độ phát triển tương đương và cao hơn nhiều các nước phát triển, cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 19%, Thái Lan là 18%, Nhật Bản là 11%, EU chỉ 10%.

Trong chi phí logistic ở Việt Nam thì chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất với 59%.

Báo cáo về hiện trạng ngành logistics Việt Nam, Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công chỉ ra thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ, đẫn đến việc chưa khai thác hiệu quả vận tải đa phương thức, cũng như chưa tối ưu việc sử dụng các loại phương tiện vận tải.

"Theo khảo sát sơ bộ, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội đến TPHCM tốn khoảng 35 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với vận chuyển bằng đường biển, 3 lần so với vận chuyển bằng đường sắt" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.

Rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế

Đánh giá hiện trạng phát triển của ngành logistics Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%. Đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn".

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, Việt Nam cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào GDP cần đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI đạt thứ 50 trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, theo Thủ tướng, cần có quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống, tạo ra sự chuyển biến trong dịch vụ logistics, xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp làm dịch vụ tốt.

Ngoài ra, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải..., tiến hành cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Bản thân các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh và giảm giá phí của các dịch vụ, Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Điều 233 Luật Thương mại 2005 viết:
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.