Đó là chủ đề của Ngày Công nhận Thế giới năm nay và cũng là nội dung của Hội thảo do Văn phòng Công nhận chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 29/6 tại TPHCM.

Hiện nay thế giới đang hướng đến môi trường làm việc, các sản phẩm, giao thông, thực phẩm an toàn. Hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, công nhận là những công cụ được thiết lập và thừa nhận nhằm giúp con người an toàn hơn trong công việc cũng như mọi lĩnh vực khác trong đời sống. Cụ thể như các sản phẩm, hàng hóa muốn bảo đảm chất lượng, an toàn cho sức khỏe phải được thể hiện qua các tiêu chí, tiêu chuẩn. Thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, nhà nước, doanh nghiệp, xã hội có thể đặt niềm tin vào các kết quả hiệu chuẩn, thử nghiệm, báo cáo giám định cũng như các chứng chỉ được cung cấp, mang lại sự tin cậy và an toàn hơn.

t
GS.TS. Lê Vân Trình chia sẻ các vấn đề vệ sinh an toàn lao động

Theo GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, một trong những “nguyên nhân gốc rễ” của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố khác là không xác định hoặc nhận ra được những mối nguy hiểm hiện diện hoặc có thể đã được dự đoán. “Vì vậy, cần phải nhận dạng và đánh giá được các mối nguy hiểm cho sức khỏe ở nơi làm việc, để loại bỏ hoặc kiểm soát, phòng ngừa các mối nguy hiểm này” – TS. Trình nói và cho rằng, các biện pháp, công cụ bảo hộ lao động cần được kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn cho con người.

Trong an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Trần Cao Sơn, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, an toàn thực phẩm đang được quan tâm nhất hiện nay và có nhiều sự cố liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống phòng thử nghiệm an toàn thực phẩm đã giúp kiểm soát được khá nhiều thực phẩm trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu cũng như đánh giá được mối nguy cơ an toàn thực phẩm. “Trong đó, việc công nhận các phòng thử nghiệm về an toàn thực phẩm đã giúp nâng cao năng lực của thử nghiệm viên, chất lượng kết quả thử nghiệm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, khách hàng,…” – ông Sơn chia sẻ.

o
Ông Vũ Xuân Thủy – Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng

Ông Vũ Xuân Thủy – Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên cả nước, đã có 1.113 phòng thử nghiệm; 63 tổ chức chứng nhận; 63 tổ chức giám định; 79 phòng, tổ chức xét nghiệm y tế đã được công nhận. Ngoài ra, Văn phòng Công nhận còn đánh giá, giám định và công nhận cho một số phòng thử nghiệm thuộc các nước ASEAN.

"Trong thời gian tới, Văn phòng Công nhận chất lượng tiếp tục triển khai thực hiện việc chuyển đổi phiên bản mới ISO/IEC 1700:2017 quy định yêu cầu cho tổ chức công nhận và phiên bản mới ISO/IEC 1725: 2017 yêu cầu cho phòng thí nghiệm. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn cho phòng thử nghiệm, chuyên gia kỹ thuật, triển khai đăng ký hồ sơ công nhận trực tuyến,…"- ông Thủy nói.