Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM đang triển khai chương trình quản trị năng suất chất lượng và tài sản trí tuệ với các nội dung như đào tạo, tư vấn, đổi mới công nghệ... nhằm hỗ trợ các sở, ngành thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Thông tin này được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý ngành” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 17/5.

Các công cụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TPHCM - cho rằng, vai trò của các sở, ngành trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo hết sức quan trọng. Các sở, ngành cần đổi mới sáng tạo trong quản lý như nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, ứng dụng KH&CN, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cung cấp thông tin về KH&CN, đặt hàng nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ…

Ông Xu cho biết, trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, các sở, ngành có thể dựa vào nhiều công cụ hỗ trợ của Thành phố như Quyết định số 3898/QĐ-UBND ngày 1/8/2016 ban hành Quy định về các nội dung chi cho hoạt động KH&CN cơ sở trên địa bàn TPHCM. Theo đó, các sở, ngành có thể thực hiện đề tài, đề án cấp cơ sở; đào tạo, chuyển giao, ứng dụng KH&CN; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu; thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn…

Sở KH&CN TPHCM đang triển khai chương trình quản trị năng suất chất lượng và tài sản trí tuệ với các nội dung như đào tạo, tư vấn, đổi mới công nghệ; chương trình sản phẩm mục tiêu; quỹ phát triển KH&CN; quỹ kích cầu của thành phố... Đây là là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho các sở, ngành để thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, theo ông Xu.

Các đại biểu chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo

Ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, thời gian qua, ngành đã triển khai 14 chuyên đề về đổi mới sáng tạo như tổ chức đào tạo về quản lý cho trưởng khoa, phó khoa; hình thành mạng lưới cấp cứu 115 ở tất cả các quận, huyện; quy trình báo động đỏ; khảo sát sự không hài lòng của bệnh nhân…

"Những chuyên đề này đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ kịp thời cho việc cấp cứu người bệnh, bắt buộc các cơ sở y tế phải thay đổi cách hoạt động và phục vụ bệnh nhân. Những hoạt động đổi mới sáng tạo của ngành đều xuất phát từ những bức xúc của thực tế, chứ chưa có quy định nào bắt buộc thực hiện" – ông Thượng chia sẻ.

Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo của ngành còn gặp nhiều khó khăn như không có kinh phí thực hiện, ít thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến KH&CN, đổi mới sáng tạo. Theo ông Thượng, Sở KH&CN TPHCM cần hướng dẫn cụ thể để có nguồn kinh phí triển khai, đồng thời có cơ chế, chính sách để hoạt động đổi mới sáng tạo đi vào chiều sâu, tránh tình trạng chạy theo phong trào.

Ông Dương Hoa Xô - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, thì cho rằng, thủ tục hành chính còn gây nhiều cản trở cho các nhà khoa học cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì vậy, cần tăng cường nhận thức từ cấp lãnh đạo đến cơ sở, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc thuận lợi… Tùy theo từng ngành và đối tượng, nên có giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự tọa đàm đề xuất nhiều giải pháp khác như: Hỗ trợ thuê chuyên gia đầu ngành ở nước ngoài cho doanh nghiệp; tăng cường sự liên kết, hợp tác, nhận thức về KH&CN, đổi mới sáng tạo của các sở ngành; đẩy mạnh công tác truyền thông về KH&CN, đổi mới sáng tạo…