Ngày 9/1 tại TPHCM, Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi (SaVipharm) – doanh nghiệp KH&CN đầu tiên tại TPHCM trong lĩnh vực dược phẩm, đã tổ chức lễ nhận giấy chứng nhận GMP Châu Âu và khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển Công nghệ cao với vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Nghiên cứu sản phẩm thay thế nhập ngoại

Ngay từ khi thành lập vào tháng 8/2005, Công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc rắn phân liều (OSD) với các dây chuyền - trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, quản lý bằng hệ thống SCADA (Supervisor Control and Data Acquisition). Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển, bao gồm các phòng nghiên cứu bào chế, các pilot với được trang thiết bị tương thích với hệ thống thiết bị sản xuất thương mại; các phòng thí nghiệm – kiểm tra chất lượng bao gồm toàn bộ trang thiết bị nhập khẩu từ các nước công nghiệp phát triển,…

S
SaVipharm đã nghiên cứu thành công 12 nhóm dược phẩm Ảnh: SVF

Với đội ngũ nhân lực của Công ty gồm gần 70 người được tuyển chọn đào tạo trong và ngoài nước, cùng nguồn đầu tư thích hợp, SaVipharm đã nghiên cứu thành công gần 200 thuốc thuộc 12 nhóm dược phẩm được cấp phép sản xuất, cung ứng ra thị trường. Trong đó, nhiều nhóm dược phẩm do SaVipharm sản xuất đã từng bước thay thế các dược phẩm cùng loại nhập khẩu, góp phần đưa SaVipharm đạt mức tăng trưởng doanh thu và hiệu quả cao trong những năm qua, như thuốc tim mạch SaVi Trimetazidine 35MR và thuốc kháng virus, điều trị HIV SaVi Tenofovir 300 đoạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt”, giải thưởng uy tín nhất về chất lượng của Bộ Y tế.

Ông Trần Tựu, Tổng Giám đốc SAVIPHARM    Ảnh: KA
Ông Trần Tựu, Tổng Giám đốc SaVipharm Ảnh: KA

Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SaVipharm, cho biết, doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng thành thạo công nghệ “không sinh bụi - không tiếp xúc, quản lý bằng hệ thống SCADA”. SaVipharm trở thành nhà sản xuất theo Hợp đồng cung ứng thuốc cho GSK tại khu vực Nhật Bản và khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ năm 2011. Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị y tế (PMDA) – Bộ Y tế Nhật Bản cũng đã tiến hành thanh tra và cấp Giấy chứng nhận GMP Nhật Bản cho SaVipharm (lần thứ nhất vào tháng 12/2010, lần thứ hai vào tháng 11/2017). Năm 2018, SaVipharm là doanh nghiệp dược đầu tiên tại TPHCM được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

SAVIPHARM đoan nhận giấy chứng nhận GMP Châu Âu
SaVipharm nhận giấy chứng nhận GMP Châu Âu. Ảnh: KA

Với việc tái đầu tư đồng bộ toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà xưởng của Nhà máy OSD; bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật cao cho hoạt động nghiên cứu, đáp ứng theo các chuẩn mực của châu Âu, tháng11/2019, Nhà máy Dược phẩm của SaVipharm đã được cấp Giấy chứng nhận GMP Châu Âu .

Bước đột phá

Theo ông Trần Tựu, việc được công nhận doanh nghiệp KH&CN đã tạo động lực cho SaVipharm tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đầu tư xây dựng các dự án mới, các sản phẩm mới công nghệ cao. Trước kia, SaVipharm dành từ 1-3% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhưng từ năm 2016, Công ty quyết định tăng tỷ lệ này lên từ 3-5% doanh thu. Trong giai đoạn phát triển mới 2020 – 2025, SaVipharm tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực được đào tạo và nguồn lực tài chính cho hoạt động KH&CN, nghiên cứu phát triển.

Bấm nút khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển CNC
Bấm nút khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển CNC Ảnh: KA

“Khâu đột phá cho chiến lược này là SaVipharm quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển Công nghệ cao với các trang thiết bị hiện đại, để nghiên cứu tạo ra các nhóm sản phẩm mới, công nghệ mới, như nhóm dược phẩm OSD, thuốc nước, mỡ kem, dược phẩm điều trị ung thư,… thay thế cùng loại nhập khẩu, từng bước xuất khẩu sang. Đồng thời, tiếp nhận và chuyển giao sản phẩm mới - công nghệ mới; Hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học; Tổ chức hệ thống nghiên cứu theo cấu trúc mới (các đơn vị – nhóm chuyên đề) ” – ông Trần Tựu nói.

Trung tâm được đầu tư các nhóm thiết bị đồng bộ, công nghệ cao như các phòng các phòng Nghiên cứu bào chế; pilot, thiết bị kiểm nghiệm, Hệ thống phụ trợ;… - theo ông Tựu. Ngoài cơ cấu thiết bị của Trung tâm, Nhà máy OSD sẽ được đầu tư các nhóm thiết bị sản xuất công nghiệp tương ứng, đảm bảo các kết quả hoạt động nghiên cứu phát triển tại Trung tâm được nhanh chóng đưa vào sản xuất thương mại sau khi được cấp phép.

Trung tâm được đầu tư trên 200 tỷ đồng
Trung tâm được đầu tư xây dựng trên 200 tỷ đồng. Ảnh: KA

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, SaVipharm là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động KH&CN, thực hiện nhiều nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, chất lượng cao. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển Công nghệ cao sẽ tạo điều kiện để Công ty triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học hơn.