Theo ông Nguyễn Hồng Hà - Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN), Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN trên 2%, đổi mới trên 20% công nghệ và thiết bị và sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 45% GDP.

Sáng 12/8, Hội thảo khoa học “Các giải pháp để các chương trình Khoa học công nghệ quốc gia phục vụ tích cực phát triển KT-XH khu vực phía Nam” do Bộ Khoa học - Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc xây dựng chính phủ từ phương thức chỉ đạo điều hành mệnh lệnh hành chính sang chính phủ phục vụ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.


Thứ trưởng Phạm Đại Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tuệ Anh

“Thời gian qua, KH&CN đã đóp góp cho việc phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như các vùng, các địa phương. Tuy nhiên so với kỳ vọng của Đảng và nhà nước, hoạt động nghiên cứu KH&CN vẫn còn những bất cập do chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý, cơ chế tài chính thúc đẩy phát triển KH&CN trong doanh nghiệp chưa đủ mạnh” – Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.

PGS-TS Phạm Công Hoạt - Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế- kỹ thuật cho rằng, từ năm 2011-2015, Việt Nam đã đầu tư và triển khai 15 chương trình trọng điểm và 190 nhiệm vụ độc lập cấp nhà nước/quốc gia về khoa học xã hội và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ vẫn trong tình trạng vụn vặt, ít có nhiệm vụ xứng tầm quốc gia, tạo ra được đột phá trong khoa học và công nghệ của đất nước.

Lý giải về nguyên nhân nhân từ hệ quy chiếu của vấn đề ngân sách dành cho KH&CN, ông Nguyễn Hồng Hà - Vụ Phát triển KH&CN địa phương, cho hay: “Nguồn ngân sách nhà nước cho KH&CN được phân bổ thành các hạng mục ngân sách: Đầu tư phát triển KH&CN khoảng 45% (thế giới là 25-35%); sự nghiệp KH&CN khoảng 55%, trong đó, dành cho các nhiệm vụ KH&CN khoảng 60-70% (tương đương 3000 tỷ đồng/năm). Chỉ số đánh giá hiệu quả của Việt Nam hiện nay là các yếu tố năng suất tổng hợp TFP với mục tiêu tăng trung bình 35%/năm”.

Theo chỉ số đánh giá hiệu quả, thì hệ số ICOR (tỷ lệ gia tăng vốn sản lượng) là cơ sở để xác định tỷ lệ đầu tư cần thiết, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ở các nước phát triển hệ số ICOR là 5-7 do thừa vốn, thiếu nhân lực và sử dụng công nghệ hiện đại. Ở các nước chậm phát triển, ICOR là 2-3, do thiếu vốn, thừa lao động, công nghệ kém hiện đại.

Ông Hà nói thêm rằng, hiện nay, các chương trình quốc gia đang chiếm khoảng 55% nguồn ngân sásh đầu tư cho KH&CN (Chương trình quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh) và các địa phương phía Nam. Điều này cho thấy, kỳ vọng của Đảng và chính phủ trong việc xác định rõ vai trò của KH&CN theo định hướng quốc gia và xây dựng vùng kinh tế bền vững Tây Nam Bộ.