Cuối tháng 5 vừa qua, trong kỳ họp thứ 7, khóa 14, Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Ảnh: Lâm Hiển
Ảnh: Lâm Hiển

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã góp ý cho dự thảo này vào tháng 4/2019.

Lần dự thảo này điều chỉnh 11 điều thuộc 8 chương trong Luật sở hữu trí tuệ nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương CPTPP, tập trung vào bốn nội dung, bao gồm: sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

So với lần dự thảo trước, lần sửa đổi này sẽ siết chặt hơn các điều kiện đăng ký sở hữu trí tuệ và có thể tăng mức bồi thường đối với bên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn nếu như trước đây chỉ dẫn địa lý vẫn được bảo hộ nếu trùng với nhãn hiệu được đăng ký trước thì bây giờ sẽ không được; hay hiệu lực của các hợp đồng chuyển nhượng sáng chế trong lần dự thảo trước phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên thì giờ đây phải được đăng ký tại các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra vi phạm sở hữu trí tuệ, bên nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên cách tính của mình, điều chưa được quy định trong dự thảo trước đó.

Nhận định chung của các đại biểu Quốc hội là dự thảo lần này đã cơ bản hoàn thiện, phù hợp với các hiệp định mà Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn muốn luật phải siết chặt hơn nữa để tránh những trường hợp vi phạm.

Chẳng hạn, đại biểu Bùi Thanh Tùng ở Hải Phòng yêu cầu cần phân định rõ sự khác biệt giữa luật chuyển giao công nghệ với các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trong Luật Sở hữu trí tuệ. Theo ông, sẽ có trường hợp các đối tác tham gia chuyển giao “lách luật”, không chuyển giao dưới dạng sở hữu công nghiệp theo luật sở hữu trí tuệ, cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước mà chuyển giao dưới dạng bí quyết công nghệ theo luật chuyển giao công nghệ, lập hợp đồng giữa hai bên là đủ và như vậy, sẽ khó khăn đối với cơ quan quản lý trong việc giải quyết tranh chấp.

Hơn nữa, trong điều khoản liên quan đến bồi thường do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu hai bên không tính được giá trị thiệt hại thì Tòa án sẽ ấn định nhưng số tiền bồi thường sẽ không quá 500 triệu đồng. Điều này, cũng theo đại biểu Bùi Thanh Tùng là không hợp lí.

Ngoài ra, đại biểu Bùi Thanh Xuân ở Cần Thơ cũng đề xuất là những người soạn dự thảo nên tham khảo và chắc chắn các sửa đổi phù hợp với luật của các nước thành viên khác trong các hiệp định mà Việt Nam tham gia ký kết. Tuy nhiên, Bộ KH&CN chưa phản hồi công khai những góp ý, đề xuất này tại cuộc họp.