Bên cạnh việc xem xét và thông qua 18 đạo luật quan trọng, Quốc hội kỳ này sẽ xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Tại buổi họp báo sáng 19/10 công bố chương trình kỳ họp và một số nội dung của kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã cho biết thông tin như vậy. Theo đó Quốc hội sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai (20/10).
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 19/10
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 19/10
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 Nghị quyết (trong đó có 3 Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật) và cho ý kiến về 08 dự án luật.

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để thảo luận và cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Đặc biệt kỳ họp này hình thức chất vấn sẽ có nhiều đổi mới, cụ thể sẽ chất vấn tổng thể chứ không tách riêng từng lĩnh vực. Đối với các thành viên Chính phủ, thông qua những cam kết của các bộ trưởng trước đó đã triển khai thực tế thế nào cũng sẽ được các đại biểu chất vấn làm rõ nguyên nhân.

Được biết tại kỳ họp này nhiều báo cáo sẽ được gửi tới Quốc hội theo yêu cầu để cung cấp thông tin cho đại biểu. Cụ thể có khoảng trên 30 báo cáo sẽ được gửi tới đại biểu Quốc hội trong đó có báo cáo về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ông Phúc, tại báo cáo này Chính phủ sẽ có thông tin để đại biểu biết nội dung căn bản liên quan đến TPP để chuẩn bị các công việc liên quan bởi Quốc hội sẽ phải có điều chỉnh, sửa đổi luật để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kỳ họp này sẽ có 10 buổi phát thanh, truyền hình trực tiếp và dự kiến bế mạc vào ngày 28/11.