Mặc dù phụ phẩm của ngành tôm Việt Nam là “mỏ vàng” mang lại nguồn tritin, chitosan - những nguyên liệu quý cho công nghiệp, y tế dồi dào, nhưng chưa thực sự được khai thác hiệu quả.


Khai thác phụ phẩm tôm đang là mắt xích yếu nhất trong chuỗi giá trị tôm. Ảnh minh họa: Vietnambiz.

Đó là những nội dung thảo luận chính tại “Hội thảo quốc tế, công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN TP. Cần Thơ và Công ty Cổ phần Việt Nam Food tổ chức, trong khuôn khổ Techdemo 2018.

Đến nay, tôm chiếm tới 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành thủy sản với giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn đạt 3-4 tỷ USD/năm và chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôm là một trong các sản phẩm của Việt Nam đang nằm trong top đầu thế giới. Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đặt kỳ vọng lớn vào sự phát triển của ngành tôm, với mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, do ngành tôm đang còn nhiều dư địa phát triển, diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng song Cửu Long được dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

“Gắn liền với sự tăng lên của sản lượng tôm là phụ phẩm. Năm 2017, phụ phẩm của tôm cả nước khoảng trên 320.000 tấn và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm tới 60%. Đây có thể coi là một “mỏ vàng” của ngành tôm nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao như chitin, chitosan, protein thủy phân,… được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp…”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định.

Tuy nhiên, việc ứng dụng KH&CN vào chế biến phụ phẩm tôm thành sản phẩm có giá trị cao chưa nhiều, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nguyên liệu này. Do đó, theo ông, để giải quyết tổng thể vấn đề khai thác phụ phẩm ngành tôm Việt Nam, cần quan tâm đến công nghệ chế biến, tăng cường mối liên kết giữa viện, trường, nhà khoa học với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ; đồng thời quan tâm đúng mức đến thị trường tiêu thụ.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho rằng, Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng sử dụng phụ phẩm tôm Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất về chính sách, giải pháp công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ phụ phẩm tôm. Hội thảo cũng là dịp để phân tích tiềm năng phát triển của ngành sản xuất phụ phẩm tôm tại Việt Nam qua góc nhìn của nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; cùng nhau thảo luận về các mô hình liên kết giữa nghiên cứu và thực tiễn sản xuất, với mục tiêu đưa công nghệ thành lực lượng chủ lực hình thành và phát triển ngành phụ phẩm tôm tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung nguồn lực nhằm tạo hành lang pháp lý và từng bước hoàn thiện khung chính sách để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nhiều nghiên cứu về sản xuất tôm và phụ phẩm tôm được triển khai, trong đó có các dự án kết hợp chặt chẽ giữa viện, trường và doanh nghiệp. Đây có thể coi là hạt nhân để hình thành nên ngành sản xuất mới có giá trị gia tăng cao.