Theo thống kê của WHO, nồng độ PM2.5 trung bình năm ở các đô thị Việt Nam khoảng 28 mg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10 mg/m3. Tình trạng ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng nếu không có sự kiểm soát và quản lý tốt hơn ngay từ bây giờ.

Ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng

Tại Hội thảo “Hiện trạng ô nhiễm không khí và chính sách quản lý chất lượng không khí tại TPHCM” do Viện Môi trường và Tài nguyên (IER), thuộc Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hành động và liên kết vì Môi trường và phát triển (CHANGE) tổ chức ngày 27/11 tại TPHCM, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thuộc IER cho biết, không khí tại TP.HCM đang ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ô nhiễm bụi mịn PM2.5 chiếm 72,36%. Theo thống kê của WHO năm 2016, nồng độ trung bình năm của PM2.5 tại các đô thị ở Việt Nam khoảng 28 µg/m3 (cao hơn 3 lần so với khuyến nghị của WHO). Riêng TP HCM gần 40 μg/m3 (cao hơn 4 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10 μg/m3).

Chia sẻ thông tin về ô nhiễm không khí từ các diễn giả tại Hội thảo     Ảnh: KA
Chia sẻ thông tin về ô nhiễm không khí tại Hội thảo Ảnh: KA

Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, nguồn gây ô nhiễm không khí từ 3 nguồn chính là nguồn điểm (công nghiệp, bệnh viện, khách sạn), nguồn diện (trạm xăng dầu, cửa hàng vật liệu xây dựng, nông nghiệp, công trình xây dựng,…) và giao thông.

Hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất hầu hết cho các chất ô nhiễm. Cụ thể chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TP HCM, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không metan (NMVOCs) - 97%, NOx - 93%, SO2 - 78%, bụi - 46%, và CH4 - 64%. Riêng mô-tô*, xe máy thải ra 90% CO, 29% NOx , 40% SO2, và gần 40% bụi PM2.5.

Đặc biệt, phát thải từ hoạt động bến cảng tàu của TP HCM cũng đóng góp một phần đáng kể vào vấn đề ô nhiễm không khí, chiếm 15% tổng phát thải SO2 của toàn thành phố, 11,5 % NOx, 5% bụi. Hiện nay TPHCM còn có thể tiếp nhận khoảng 150 tấn SO2/năm cho khu vực trung tâm, 545 tấn SO2/năm cho các khu vực ngoại thành và không còn khả năng tiếp nhận khí thải CO, NOx tại một số khu vực trung tâm thành phố.

Xe máy là nguồn phát thải ô nhiễm chính
Mô- tô, xe máy là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí Ảnh: Zing.vn

“Theo tính toán của WHO 2014, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong 8 triệu người/năm. Trong đó, khí thải từ động cơ diesel và không khí xung quanh là các chất gây ung thư phổi và một số bệnh khác. Nếu không kiểm soát được nguồn phát thải không khí từ hoạt động giao thông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân TPHCM” – TS Bằng nhấn mạnh.

Quy chuẩn chưa nghiêm ngặt

Theo TS Bằng, các tiêu chuẩn quy định đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí của Việt Nam còn ít nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới, có những tiêu chuẩn cao hơn gấp đôi so với WHO như đối với PM10 (Việt Nam 50, WHO 20) và PM2.5 (Việt Nam 25, WHO 10). Vì vậy, quy chuẩn phân vùng khí thải ô nhiễm của Việt Nam cần được quy định chi tiết, rõ ràng và nghiêm ngặt hơn. Nên đưa ra một tải lượng xả thải cụ thể thay vì nồng độ xả thải.

Ngoài ra, cần địa phương hóa tiêu chuẩn phân vùng khí thải để việc thực thi được nghiêm ngặt hơn. Mỗi địa phương cần thực hiện tính toán tải lượng cho phép mà môi trường không khí có thể tiếp nhận (pha loãng và khuếch tán) dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế xã hội và điều kiện khí tượng của khu vực để đảm bảo phát triển kinh tế không làm suy thoái môi trường không khí.

“Đồng thời, cần xây dựng hướng dẫn tính toán phát thải, các quy định phát thải và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều ngành để làm cơ sở để cấp phép xả thải và tiến tới thu phí xả thải, khí thải đối với doanh nghiệp,nguồn thải” – TS Bằng nói.

Người dân chống bụi theo cách của mình     Ảnh: Thanh Tùng
Người dân chống bụi theo cách của mình Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Thế Đồng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đánh giá ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn trên cả nước, đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, phần lớn là do những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý. Vì vậy cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý về môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng. Trong đó, những quy định về hệ thống quy chuẩn cần phải hợp lý, cụ thể hơn. Đồng thời, trách nhiệm thực thi luật của trung ương, địa phương, doanh nghiệp cũng phải được làm rõ theo hướng giảm thiểu hành chính, tăng quyền chủ động, trách nhiệm cho doanh nghiệp.

“Vai trò của địa phương trong việc quản lý môi trường hàng ngày rất quan trọng, cần được đề cao. Các ô nhiễm xảy ra ở địa phương thì lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm trả lời cho công luận chứ không phải là Bộ Tài nguyên - Môi trường” – ông Đồng nhấn mạnh.

---

* Là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400kg.