Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp đang đứng trước sự cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hoá. Các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, người nông dân cần làm gì để thích ứng với xu thế đó?

Đây là nội dung được tập trung bàn luận tại Hội thảo Nông nghiệp thông minh – Cơ hội và thách thức trong chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, diễn ra vào ngày 21/11/2018 tại Hà Nội.

Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN- Bộ KH&CN tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thiết bị và công nghệ nông – lâm – ngư nghiệp (GROWTECH năm 2018) để nhằm triển khai Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 01/11/2013 trong kế hoạch năm 2018.

Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: Hội thảo được tổ chức với mục tiêu mang đến cho đại biểu cơ hội thảo luận và hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực được xem như giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp thông minh; tập trung lý giải thế nào là nông nghiệp thông minh, tiềm năng, cơ hội và thách thức trong phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam, các yếu tố nền tảng và then chốt trong phát triển nông nghiệp thông minh; thúc đẩy liên kết 4 nhà trong việc phát triển và thương mại hóa công nghệ nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Ông Phạm Đức Nghiệm –Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm qua, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Trong đó, chuỗi sự kiện tại triển lãm Quốc tế Growtech được tổ chức hằng năm với sự tham gia của hơn 20 quốc gia trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động liên kết và xúc tiến chuyển giao, kết nối đầu tư và quảng bá các sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp của Việt Nam, ông Phạm Đức Nghiệm khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ của các đại biểu xung quanh các vấn đề như: Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam – cơ hội và thách thức; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực sản xuất rau, hoa, quả - thực trạng và giải pháp; Xu hướng phát triển nông nghiệp số; thực trạng phát triển nông nghiệp thông minh trong khu vực Hợp tác xã.

NGND. GS. Nguyễn Quang Thạch – Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam chia sẻ: Những khó khăn của Việt Nam khi bước vào nền nông nghiệp thông minh như: Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập và nền tảng cơ sở hạ tầng tối thiểu để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối với Internet; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp; nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 được Chính phủ tạo điều kiện ưu đãi đặc biệt cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao bao gồm cả đào tạo nhân lực và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhưng tỷ lệ thành công còn thấp; đất canh tác ở các vùng nông thôn Việt Nam ngày càng bị thu hẹp;…

Trong thời gian tới, phát triển trồng trọt ứng dụng công nghệ cao kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo - nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu của thế giới trong đó có nông nghiệp Việt Nam. Để phát triển nông nghiệp thông minh trước mắt cần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để phát triển nông nghiệp thông minh. Có thể ứng dụng kịp thời có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên cần chọn lọc các công nghệ sao cho thiết thực và hiệu quả. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt trong thời kỳ 4.0 là đầu ra của sản phẩm, NGND GS Nguyễn Quang Thạch nhấn mạnh.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương tham gia thảo luận

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hiệu quả hơn nữa để khuyến khích các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân tham gia ứng dụng công nghệ 4.0; tăng cường phối kết hợp giữa các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin với các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp để ngày càng hoàn thiện chương trình phần mềm ứng dụng 4.0 vào đối tượng rau, hoa, quả nói riêng và nông nghiệp nói chung; tăng cường thông tin phổ biến tác dụng của ứng dụng 4.0 trong nông nghiệp để mọi người hiểu được đúng vai trò, ý nghĩa của chương trình này từ đó lên kế hoạch ứng dụng cho mình. Số hóa nền nông nghiệp là giải pháp nền tảng để ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức và tiến vào nông nghiệp thông minh.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam: Chính phủ cần có chính sách để phát triển nông nghiệp thông minh đến năm 2020, định hướng đến 2025 theo hướng đầu tư nguồn lực vào phát triển cơ sở hạ tầng thông minh đồng bộ để đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã cần đổi mới mô hình và phương thức đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu hướng thời đại, phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0. Các thách thức về huy động vốn, thị trường, tích tụ ruộng đất quy mô lớn để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị sẽ được giải quyết khi các bên tăng cường liên kết theo mô hình hợp tác xã. Hiện nay liên minh hợp tác xã Việt Nam đã hỗ trợ được 200 hợp tác xã xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Phát triển nông nghiệp thông minh là quá trình liên tục, lâu dài phải có bước đi lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, hợp tác xã, phải lựa chọn công nghệ áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đăng Minh