Quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) tốt sẽ làm gia tăng lợi thế cạnh tranh và mang lại cho doanh nghiệp nguồn lực mới. Tuy nhiên, muốn quản trị TSTT có hiệu quả, giảm thiểu được những rủi ro, trước tiên cần phải hiểu và nhận diện được TSTT trong doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Trưởng Bộ phận tư vấn quản trị TSTT của Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN (STAS), thuộc Cục công tác phía Nam Bộ KH&CN tại Khóa đào tạo Quản trị TSTT trong doanh nghiệp với chủ đề “Quản trị thương hiệu, nhãn hiệu và các TSTT khác của doanh nghiệp” do STAS tổ chức ngày 25/9 tại TPHCM, dành riêng cho các cán bộ của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan).

Theo bà Nhung, các doanh nghiệp thường gặp một số rủi ro về TSTT như làm thất thoát trong hoạt động sáng kiến; rò rỉ thông tin và bí mật kinh doanh; sơ suất về sở hữu trí tuệ và TSTT trong giao dịch hợp đồng;… Vì vậy, doanh nghiệp cần có bộ phận về quản trị TSTT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc quản trị TSTT. Trước thực tế đó, STAS đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo hộ và phát triển TSTT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2017 đến nay.

Giảng viên và học viên cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến TSTT
Giảng viên và học viên cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến TSTT

Tại khóa đào tạo, các học viên được trang bị các kiến thức về: Vai trò của quản trị TSTT trong doanh nghiệp; Các chỉ dẫn thương mại giúp bồi tụ các sắc thái giá trị khác của thương hiệu và nhãn hiệu; Vai trò của thương hiệu, nhãn hiệu trong doanh nghiệp; Quản trị quyền tác giả đối với nhãn hiệu;… Qua đó, giúp doanh nghiệp nhận diện và nhận biết được mối tương quan giữa nhãn hiệu, thương hiệu với các tài sản vô hình khác để xây dựng bền vững thương hiệu, nhãn hiệu. Trong khuôn khổ khóa đào tạo, Công ty được các chuyên gia sở hữu trí tuệ trực tiếp hướng dẫn tổ chức quản trị TSTT.

Ông Nguyễn Thái Hải Lâm – Ban Pháp chế, Công ty Vissan - cho biết, thời gian gần đây, Vissan đã quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và thực hiện nhiều hoạt động để bảo về quyền sở hữu trí tuệ của mình như tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, Công ty có quy chế khen thưởng để khích lệ người lao động có những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo mới phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, Công ty còn xây dựng quy chế bảo mật thông tin. Trong đó xác định rõ thông tin mật là thông tin nào, quy trình xử lý thông tin mật, nhằm hạn chế mức thấp nhất việc lọt thông tin, công thức, bí mật của công ty ra bên ngoài.

V
Nhân viên khi vào làm việc phải ký hợp đồng bảo mật thông tin với Công ty

Ông Lâm chia sẻ, Công ty nhận thấy rằng, việc bảo vệ TSTT cũng như quản trị TSTT rất quan trọng nên ngoài việc cử cán bộ phụ trách về TSTT tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo về TSTT, còn phải nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về TSTT cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của công ty. Vì vậy, Công ty đã phối hợp với STAS tổ chức buổi đào tạo nói trên cho lãnh đạo các phòng ban, bộ phận của Công ty làm việc liên quan đến TSTT nhưng lại chưa hiểu biết nhiều về lĩnh vực này.

Kết thúc khóa học, phần lớn các học viên đều cho rằng, các bài giảng đều được trình bày trực quan sinh động, nội dung đi sâu vào thực tế. Bên cạnh lý thuyết, những ví dụ cụ thể cũng được các giảng viên nêu ra, giúp học viên dễ hình dung và tiếp thu tốt hơn nội dung học.