Từ việc phát hiện ra Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) ở một số tỉnh phía bắc vào đầu năm 2019 của các nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm Trọng điểm công nghệ sinh học thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), có thể thấy cần có nhiều nghiên cứu nữa để có sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về bệnh cũng như chủng virus gây bệnh DTLCP tại Việt Nam.


PGS.TS Lê Văn Phan (đứng, giữa) và TS. Bùi Thị Tố Nga (thứ nhất từ trái sang) cùng sinh viên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Ngô Hà.


Khi chưa có được điều đó, chúng ta nên duy trì một quy trình quản lý nghiêm ngặt và liên tục để kịp thời phát hiện bệnh và kiểm soát bệnh.

Sáng 27 Tết (ngày 1/2 Dương lịch), khi xung quanh Bệnh viện Thú y – Khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vắng lặng vì đã bước vào kỳ nghỉ tết, PGS.TS. Lê Văn Phan đang dọn dẹp phòng thí nghiệm và niêm phong, thì chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia là anh Vũ, sinh viên cũ báo sáng sớm nay đã gửi một mẫu huyết thanh từ trại lợn của mình lên phòng thí nghiệm nhờ kiểm tra giúp bệnh tai xanh và bệnh dịch tả lợn cổ điển. Lợn nái có biểu hiện mệt mỏi ủ rũ, bỏ ăn, da nhợt nhạt và lạnh, nhưng nhiệt độ trực tràng khi đo là 40,5oC, máu lấy vào xi lanh khó đông, lợn nái chết rải rác.

Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán bệnh dịch tả lợn cổ điển và bệnh tai xanh đều âm tính. PGS.TS Lê Văn Phan cho kiểm tra thêm với virus gây bệnh DTLCP bằng phương pháp PCR và Realtime PCR đều cho kết qủa dương tính. Kết quả giải trình tự toàn bộ gene P54 và P72 của virus DTLCP sau đó cho thấy kết quả hoàn toàn chính xác, chủng virus gây bệnh DTLCP tại trại lợn ở Hưng Yên này thuộc về Genotype II, tương đồng 100% về trình tự nucleotide và amino acid khi so sánh với chủng virus đang lưu hành và gây bệnh DTLCP trên đàn lợn tại Trung Quốc.

Những công việc này được thực hiện trong suốt những ngày Tết và kết quả luôn được cập nhật liên tục với Cục thú y và Bộ NN-PTNT. Kết quả chẩn đoán liên phòng sau đó từ các đơn vị của Cục Thú y cho thấy thông tin từ Học viện cung cấp là chính xác.

Chuẩn bị sẵn khi “hàng xóm” có dịch

Theo OIE (World Organisation for Animal Health – Tổ chức sức khỏe động vật thế giới), bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Hiện nay trên thế giới chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả, không có thuốc chữa trị nên việc xét nghiệm, phát hiện và khoanh vùng khu vực trại lợn bị nhiễm bệnh để tiêu hủy kịp thời là rất quan trọng.

Để phát hiện ra DTLCP nguy hiểm này, phòng thí nghiệm Trọng điểm công nghệ sinh học thú y là đơn vị đầu tiên phát hiện ra dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam hoàn toàn “không phải là ngẫu nhiên”. Ngay từ 1/8/2018, khi Trung Quốc công bố dịch, ngành thú y ở Việt Nam bắt đầu đưa ra các kịch bản phòng chống, tổ chức diễn tập thì Nhóm nghiên cứu mạnh về vaccine và chế phẩm sinh học và Phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH thú y đã tập trung thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới và đặc biệt là đặc biệt là Trung Quốc, chuẩn bị nhân lực phục vụ cho việc nghiên cứu giám sát, phát hiện virus. PGS.TS Lê Văn Phan đã liên hệ mua bộ KIT từ công ty Median Diagnostics phục vụ cho xét nghiệm.

Mặc dù không có nguồn kinh phí bố trí riêng cho việc xét nghiệm bệnh DTLCP này, nhưng khi nhận được bất kỳ các mẫu bệnh phẩm nào từ lợn có triệu chứng lâm sàng nghi với bệnh dịch tả lợn châu Phi, PTN vẫn xét nghiệm miễn phí để rà soát bệnh kể từ đó cho tới nay (hiện nay đã có quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc nhà nước sẽ chi trả chi phí xét nghiệm cho người dân khi xét nghiệm bệnh này). “Nguồn kinh phí mua các bộ KIT xét nghiệm được lấy một phần từ nguồn kinh phí chung của phòng và phần lớn là tiền túi của chúng tôi bỏ ra”, PGS.TS Lê Văn Phan cho biết.

Một điểm thuận lợn khác đối với PTN khiến nơi đây luôn nhanh chóng nhận được mẫu bệnh phẩm từ nhiều trại lợn, là Khoa Thú y nói riêng và Học viện Nông nghiệp nói chung có mạng lưới đông đảo cựu sinh viên làm nông nghiệp rất lớn ở trong khắp cả nước. Chính các cựu học viên này có kiến thức, kinh nghiệm về các triệu chứng lâm sàng của bệnh, ý thức rất rõ việc sớm phải xét nghiệm khi có biểu hiện lâm sàng đáng nghi.

Nhiều câu hỏi tiếp tục cần nghiên cứu

Qua xét nghiệm giải trình tự gene, chủng virus dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở Việt Nam thuộc genotype II. Tuy nhiên, DTLCP là bệnh mới đối với Việt Nam, nên chưa có được bất kỳ thông tin khoa học đầy đủ và chính xác nào về virus gây bệnh cũng như bệnh này tại Việt Nam. Cụ thể, cho đến nay các nhà khoa học trong nước vẫn chưa thể lý giải được hết “các biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh này ở Việt Nam”. PGS. Lê Văn Phan trao đổi kỹ với TS Bùi Thị Tố Nga, Phó trưởng bộ môn Bệnh lý Thú y, Khoa Thú y về các triệu chứng lâm sàng và nhận định: “Đối với trường hợp mắc bệnh đầu tiên ở trang trại lợn của anh Vũ, lợn chết rải rác từ từ và khi mổ khám chúng tôi không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào điển hình như các thông tin trước đó khi chúng tôi tìm hiểu về bệnh DTLCP trên thế giới. Cơ quan nội tạng không có dấu hiệu bầm đen do xuất huyết”. “Chính ra, ca phát hiện đầu tiên đó là có biểu hiện đáng nghi ngờ thấp nhất so với các ca khác. Cho đến bây giờ, đó vẫn là dấu hỏi”, PGS.TS Lê Văn Phan nói. Mặt khác, sau khi khảo sát nhiều trại lợn, theo hai nhà nghiên cứu, diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam rất phức tạp, “có ca cấp tính lợn nôn xong khoảng 3 – 4 tiếng sau thì chết ngay, còn có những con có thời gian phát bệnh 2 – 3 ngày mới chết” và thực sự là đến nay “chưa thể chắc chắn thời gian ủ bệnh DTLCP của lợn ở Việt Nam là bao lâu”.

Hiện nay các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa Thú y, Học viện NNVN đã và đang xây dựng các chương trình nghiên cứu về DTLCP như nghiên cứu các yếu tố làm truyền lây, phát sinh, phát triển của bệnh; nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng, bệnh tích đại thể và vi thể của bệnh; nghiên cứu dịch tễ học phân tử về không gian và thời gian các chủng virus đã và đang lưu hành và gây bệnh trên đàn lợn tại Việt Nam; nghiên cứu phân lập các chủng virus gây bệnh ngoài thực địa phục vụ các nghiên cứu sản xuất vaccine và kít chẩn đoán…, PGS.TS Lê Văn Phan cho biết.

Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn về virus DTLCP hiện nay lại gặp khó khăn. “Muốn biết thời gian ủ bệnh DTLCP trên lợn là bao lâu thì cần phải phân lập được chủng virus gây bệnh, gây nhiễm virus cho lợn cảm thụ, hàng ngày theo dõi các chỉ tiêu lâm sàng như kiểm tra thân nhiệt, chỉ tiêu huyết học, chỉ tiêu virus huyết…” PGS.TS Lê Văn Phan nói. Tương tự, muốn tiến hành các nghiên cứu sản xuất vaccine vô hoạt hoặc nhược độc phòng bệnh DTLCP cũng phải phân lập được các chủng virus gây bệnh ngoài thực địa. Nhưng “hiện nay các nghiên cứu như vậy còn gặp nhiều khó khăn vì khoa thú y chưa có nhà động vật đạt chuẩn, chưa có phòng thí nghiệm cấp 3”.

Do vậy, “chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ, được ủng hộ xây dựng phòng thí nghiệm cấp 3, để có điều kiện tiến hành các nghiên cứu dài hơi và chuyên sâu”, PGS.TS Lê Văn Phan đề nghị.

Đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu phi tại Hưng Yên. Ảnh: Lê Văn Phan.

Đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu phi tại Hưng Yên. Ảnh: Lê Văn Phan.

Điểm yếu ở tập quán chăn nuôi
Hiện nay, quy mô chăn nuôi hộ gia đình chiếm tới hơn 60% tổng số đầu lợn trong cả nước. Tuy nhiên, “người chăn nuôi hầu như không có khái niệm khai báo lợn ốm, lợn chết cho thú y ở cơ sở, khi dịch bệnh xảy ra mà thường tự chữa”, trong khi dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và DTLCP nói riêng khi xảy ra thì lây lan nhanh “như cháy nhà”, theo PGS. Lê Văn Phan. Đây chính là một điểm yếu đầu tiên khiến dịch bệnh lây lan nhanh, khó ngăn chặn. Ngoài ra, do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình không được quản lý tốt, không đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, tự nuôi lợn đực giống khai thác tinh để bán, không kiểm soát được môi trường chăn nuôi, phương tiện vận chuyển mang mầm bệnh không được khử trùng tiêu độc đúng cách… khiến cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình luôn là nơi dễ mắc dịch bệnh nhất. Thực tế từ các vụ DTLCP tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá cho thấy dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi gia đình với mật độ người chăn nuôi dày đặc trong dân.

Trong khi đó, hiện chưa có thông báo nào cho thấy các trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp tại Việt Nam bị DTLCP. Điều này có thể do các trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp đều có quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, công tác quản lý tốt, đảm bảo an toàn sinh học nên tránh được dịch. Thậm chí, từ trước khi dịch bệnh được thông báo trên toàn quốc, có tới hàng chục công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc đã gửi mẫu bột thịt, cám tới xét nghiệm rà soát virus DTLCP tại phòng thí nghiệm.