Đó là một trong những nhận định chính trong Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam 2017 được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội thảo công bố báo cáo nói trên đã được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội sáng 25/5. Báo cáo được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động tham vấn và vận động chính sách về công bằng thuế tại Việt Nam.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường trình bày Báo cáo Công bằng Thuế 2017. Ảnh: Quốc Hùng.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường trình bày Báo cáo Công bằng Thuế 2017. Ảnh: Quốc Hùng.

Báo cáo sử dụng bộ công cụ do Oxfam Toàn cầu phát triển để đánh giá hệ thống thuế Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các Chỉ số Công bằng thuế (FTM) được sử dụng trong bộ công cụ này bao gồm: (1) Tính lũy tiến của hệ thống thuế, (2) Tính đầy đủ của thu ngân sách, (3) Quản trị ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, (4) Quản lý hành chính thuế, (5) Chi tiêu thuế vì người nghèo, và (6) Trách nhiệm giải trình trong tài chính công.

Dựa trên các câu hỏi của chỉ số FTM, quản lý thuế ở Việt Nam được đánh giá rất cao với điểm số 9/10. Chỉ tiêu đứng thứ hai là Nguồn thu đầy đủ có điểm số 8/10. Quản trị ưu đãi thuế và trách nhiệm giải trình là hai chỉ tiêu bị đánh giá thấp nhất với điểm số gần 5/10. Chi tiêu thuế vì người nghèo cũng bị đánh giá thấp thứ hai với điểm số gần 6/10.

Tỷ trọng thuế đánh vào thu nhập giảm, thuế đánh vào tiêu dùng tăng

Theo báo cáo, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Việt Nam và thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tổng thu thuế trên GDP giảm dần từ mức 24% (2006 – 2008) xuống mức 18% (2014 – 2016).

Tổng nguồn thu ngân sách từ thuế được chia làm hai nguồn cơ bản. Một là các loại thuế đánh vào thu nhập, hai là các loại thuế đánh vào tiêu dùng.

Các loại thuế đánh vào thu nhập thuộc nhóm thuế trực thu bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, các loại thuế tài sản.

Các loại thuế đánh vào tiêu dùng thuộc nhóm thuế gián thu bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế bảo vệ môi trường.

Năm 2006, tỷ trọng thuế trực thu là gần 50%, trong khi tỷ trọng thuế gián thu là hơn 40%. Nhưng đến năm 2016, thuế trực thu chỉ chiếm tỷ trọng 35%, còn thuế gián thu đã tăng lên trên 60%. Ngay cả khi loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế xuất – nhập khẩu, thuế gián thu cũng đã vượt thuế trực thu trong năm 2016.

"Xét về cơ cấu thu thuế, tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế đang tăng mạnh, và tỷ trọng thuế trực thu đang giảm nhanh. Điều này tác động không tốt đến tính luỹ tiến của hệ thống thuế của Việt Nam", PGS.TS. Vũ Sỹ Cường – thành viên của nhóm nghiên cứu tại Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính – nhận định.

Nghiên cứu của Oxfam (2016) cho thấy, việc miễn giảm thuế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều, nhất là đối với thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nửa so với mức thuế phổ thông là 20%. Việc tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá nhiều và mới được điều tra xử lý từ năm 2010.