Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện quy hoạch báo chí và khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí là những nhiệm vụ trong năm tới được nhấn mạnh tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2019.

Sáng 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại thành phố Hải Phòng.

Hội nghị có sự tham dự của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hơn 600 đại biểu là đại diện các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các sở Thông tin và Truyền thông…

Báo cáo của Ban tổ chức Hội nghị cho biết, hoạt động báo chí trong năm 2019 tiếp tục phản ánh kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội; nội dung thông tin phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, tập trung vào các vấn đề quan trọng của đất nước; chủ động tham gia đấu tranh bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân với các nội dung có tính giáo dục, thẩm mỹ, văn hóa cao.

Bên cạnh những thành tích đó, hoạt động báo chí trong năm 2019 vẫn tồn tại một số tình trạng tiêu cực như: thông tin sai sự thật, thiếu thận trọng, tập trung nhiều ở báo điện tử; giật tít phản cảm, thiếu chính xác, trái với nội dung trong bài viết để câu view; một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của cơ quan báo chí tại địa phương hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao; “báo hóa” tạp chí điện tử… Năm qua, có 29 cơ quan báo chí bị kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính gần 700 triệu đồng với lỗi chủ yếu là thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tính đến hết tháng 11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí (trong đó có 179 báo, 648 tạp chí, 23 báo điện tử độc lập, 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh -truyền hình), giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018 từ kết quả của việc thực hiện Quy hoạch báo chí.

Cả nước hiện có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Theo Báo cáo đánh giá công tác báo chí của Ban tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2019

Cơ quan nhà nước chậm cung cấp thông tin, dẫn đến báo chí chạy theo mạng xã hội

Phân tích các hạn chế của báo chí trong năm vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ ra, việc chậm cung cấp thông tin, thậm chí có biểu hiện ngại cung cấp thông tin, né tránh vấn đề, của những cơ quan nắm nguồn tin cần lên tiếng khiến báo chí chạy theo mạng xã hội, sử dụng thông tin từ mạng xã hội thiếu kiểm chứng hoặc kiểm chứng chưa chặt chẽ

Trong nhiều sự kiện như 39 người Việt tử vong trong xe container tại Anh, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và TP.HCM hay vụ cháy Nhà máy Rạng Đông…, ông Thưởng cho rằng, các cơ quan liên quan đã đưa thông tin không kịp thời và thông điệp không rõ ràng.

Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tình trạng khiếu kiện nội dung thông tin ngày càng nhiều nhưng việc giải trình của các cơ quan báo chí còn chưa cầu thị, nghiêm túc, và có phần chưa sòng phẳng, công bằng giữa cơ quan báo chí với đối tượng được cơ quan báo chí phản ánh.


Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (giữa) trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2019, Hải Phòng, 28/12/2019. Ảnh: zing.vn

Cũng tại Hội nghị, lần đầu tiên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề cập hiện tượng các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng danh nghĩa liên kết để tác động tới việc sản xuất nội dung của báo chí vì lợi ích cục bộ và lợi nhuận; cũng như tình trạng lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí thành lập công ty để xử lý khủng hoảng truyền thông, hợp tác truyền thông với chính các đối tượng mà họ phản ánh tiêu cực trước đó.

“Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng rất xấu tới phẩm giá, danh dự của người làm báo chân chính, phải sớm có giải pháp khắc phục”, ông Thưởng nói.

Ông Thưởng dẫn chứng, có doanh nghiệp và tư nhân can thiệp nội dung của báo tới mức có những tin không đúng sự thật được yêu cầu xử lý thì tổng biên tập còn chần chừ vì bản thân họ cũng không toàn quyền đối với tin đó.

Quy hoạch báo chí: Không thể lừng chừng thêm nữa

Nêu phương hướng nhiệm vụ hoạt động báo chí trong năm 2020, ông Võ Văn Thưởng đề nghị báo chí tiếp tục chủ động bám sát, tuyên truyền kịp thời những diễn biến trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sắc sảo và thuyết phục, đồng thời phải hết sức tỉnh táo tránh để bị lợi dụng vào việc đấu đá nội bộ, cạnh tranh phe nhóm...

Một nhiệm vụ được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh là khẩn trương thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí đến năm 2025, trước mắt là với 24 cơ quan báo chí phải tổ chức, sắp xếp trong năm 2019, theo đúng nguyên tắc cơ quan chủ quản nào không trình phương án sắp xếp để cấp lại giấy phép hoạt động cơ quan báo chí trực thuộc thì kiên quyết đình bản tạm thời; sau đó, nếu tiếp tục không thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước tước giấy phép hoạt động.

“Tôi yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện khẩn trương, nghiêm túc vấn đề này, không chậm được nữa, không lừng chừng được nữa. Đến bây giờ đã là rất chậm rồi”, ông Thưởng nói.

Ông cho rằng, chính sự lừng chừng, chưa quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng cơ quan chủ quản đã tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ của các cơ quan báo chí thuộc diện chuyển đổi.

Bên cạnh đó, ông Thưởng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng quy định để phân biệt báo điện tử và tạp chí điện tử nhằm khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí mà theo ông thực chất là hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí.

Ông Thưởng cho rằng tạp chí phải trở về đúng với bản chất là nơi đăng tải thông tin định kỳ, tri thức chuyên sâu và công bố, giới thiệu các bài viết học thuật, tư vấn, phản biện chính sách.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ quan báo chí, từ đó xem xét việc giao cơ chế tự chủ tác động như thế nào đến hoạt động báo chí trên cả phương diện nội dung và kinh tế báo chí.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những thách thức chính đối với báo chí hiện nay, đó là phần lớn các cơ quan báo chí đang phải tự lo một phần hoặc hoàn toàn về kinh tế và phải cạnh tranh về tốc độ, hình thức thể hiện với các phương tiện thông tin khác vốn không được coi là báo chí như mạng xã hội, trong khi vẫn phải bảo đảm độ chính xác và có tính định hướng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ ra hạn chế của một số cơ quan chủ quản như chưa quan tâm dành nguồn lực cho cơ quan ngôn luận của mình cũng như chưa nhiệt tình cung cấp thông tin cần thiết. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí tác nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan nhà nước phải gương mẫu cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác. Ngoài ra, “một trong những nhiệm vụ của báo chí là phổ biến, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, các biện pháp chính để phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, cơ quan nhà nước thì các cơ quan này phải dành nguồn lực kinh phí cho việc tuyên truyền, vận động. Hơn nữa, phải có chính sách ở tầm xa hơn để những lợi ích kinh tế của báo chí không bị xâm lấn một cách không phù hợp, không đúng pháp luật bởi các dạng thông tin khác đang cạnh tranh quảng cáo với báo chí,” ông nói.

Phó Thủ tướng cũng nhận xét rằng, nhiều cơ quan chủ quản mới nhấn mạnh vai trò đơn vị báo chí trực thuộc là tiếng nói của ngành mình, của địa phương mình mà quên rằng mỗi tờ báo còn là tiếng nói của người dân. Ông khẳng định, bằng hành động cụ thể, Chính phủ sẽ đề cao hơn nữa báo chí, nhất là vai trò “tiếng nói của nhân dân tới chính quyền” - thứ tiếng nói cần được trân trọng và phản hồi khi là góp ý; cần được tiếp thu và tỏ lòng biết ơn khi là phê bình, nhắc nhở.