Trong khi mảng khoa học kỹ thuật có nhiều ưu thế vì được cả thế giới tập trung nghiên cứu thì vấn đề xuất bản quốc tế ở mảng khoa học xã hội và nhân văn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế tại Hội thảo “Triển khai kết quả nghiên cứu của các nhà trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2017". Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đại học Huế tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh cho biết: "Nghiên cứu khoa học phải khám phá, đưa ra những ý kiến mới để tiếp cận nhanh với khoa học, tìm hiểu vấn đề phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống”. Vì vậy, hội thảo là dịp để trao đổi kinh nghiệm về chủ đề, mục tiêu và phương pháp nghiên cứu để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Tuấn
PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Tuấn

Ông Linh mong rằng, các giảng viên tham dự Hội thảo sẽ trao đổi kinh nghiệm về vấn đề xuất bản quốc tế ở mảng khoa học xã hội và nhân văn, bởi ở mảng này có ít người nghiên cứu, trong khi mảng khoa học kỹ thuật có ưu thế hơn vì được cả thế giới tập trung nghiên cứu. Ông Linh cũng hi vọng, trong những năm tới ĐH Huế sẽ có nhiều nghiên cứu khoa học được xuất bản trên các tạp chí quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, nghiêm cấm các trường mua bán bài báo nghiên cứu khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe GS.TS Nguyễn Hoàng Lộc, Viện nghiên cứu hoạt chất sinh học, Đại học Khoa học - Đại học Huế, chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm viết bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế.

Nghiêm cấm mua bán các bài báo nghiên cứu khoa học - 2

GS.TS Nguyễn Hoàng Lộc chia sẻ về kinh nghiệm viết bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế. Ảnh: Nhật Tuấn

Trong quá trình nghiên cứu cần lưu ý đến kết quả nghiên cứu mới, những nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu khác để điều chỉnh mục tiêu và lộ trình sao cho phù hợp" - GS Nguyễn Hoàng Lộc cho biết. GS Lộc cũng cho rằng, không nên công bố toàn bộ kết quả trong một bài báo nghiên cứu mà nên chia thành nhiều bài. Ngoài ra, khi chuẩn bị bản thảo cần lưu ý đến chủ đề và phương pháp nghiên cứu, kết quả tiêu biểu và tầm quan trong của nó; tầm quan trọng của những kết quả chính; tầm hiểu biết của tác giả về chủ đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, nhận định về tầm ảnh hưởng của bài báo; các dữ liệu phải phù hợp với các kết luận…

Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hoàng Lộc đã trình bày một số kết quả nghiên cứu nổi bật trong các nghiên cứu gồm biểu hiện dị hợp các gen mã hóa kháng nguyên và enzyme trong cây trồng và vi sinh vật; điều hòa biểu hiện gen trong chu trình chuyển hóa thứ cấp ở tế bào thực vật.