Tại sự kiện do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay Đại học Việt-Pháp) tổ chức vào chiều tối mai, người tham dự sẽ được nghe nói chuyện về lỗ đen, tìm hiểu lịch sử và nguyên lý hoạt động của kính thiên văn, và trực tiếp quan sát Mặt Trăng và Sao Mộc qua kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc.


Đồ họa Sao Mộc (trái) và Mặt Trăng. Nguồn: oranum.com.

Chiều tối 14/6, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) sẽ tổ chức Ngày hội Vũ trụ 2019 dành cho học sinh, sinh viên và tất cả những ai yêu thích vật lý thiên văn ở khu vực phía Bắc.

Đây là sự kiện đại chúng, dự kiến được tổ chức thường niên bởi khoa Vũ trụ và Ứng dụng của trường nhằm mang đến cho công chúng những kiến thức tổng quan và mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ ở Việt Nam và trên thế giới. Được biết, Khoa Vũ trụ và Ứng dụng của USTH hiện đào tạo từ bậc đại học đến tiến sĩ với 3 hướng chính - Viễn thám, Vật lý thiên văn và Công nghệ vệ tinh. 80% sinh viên cử nhân và 100% học viên Thạc sĩ của Khoa được đi thực tập tại các trường đại học, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm tại Pháp và Hàn Quốc.

Lần này, ngày hội Vũ trụ có chủ đề “Bầu trời và Kính thiên văn”. Tại đây, người tham dự sẽ được nghe TS. Phạm Tuấn Anh, chuyên gia vật lý thiên văn thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam), trình bày về chủ đề lỗ đen: các bằng chứng về sự tồn tại của lỗ đen; cách phát hiện, đo đạc lỗ đen; vai trò của lỗ đen trong sự hình thành và tiến hóa của các vì sao và thiên hà. TS. Phạm Tuấn Anh cũng sẽ nói về nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học để tạo ra bức ảnh chụp thực tế đầu tiên cái bóng của lỗ đen.

Trong khi đó, TS Phan Hiền – giảng viên Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, sẽ trình bày về lịch sử của kính thiên văn, nguyên lý hoạt động và phân loại các dòng kính thiên văn phổ biến.

Đặc biệt, người tham dự có cơ hội trải nghiệm quan sát Mặt Trăng và Sao Mộc trực tiếp qua 4 kính thiên văn, bao gồm kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc của Hội thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS) với đường kính lên tới 12.5 inch (317mm).

Anh Phạm Chương, thành viên Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, tác giả của kính thiên văn tự chế lớn nhất miền Bắc, cho biết: “Nếu như kính thiên văn phổ thông cỡ nhỏ có độ phóng đại tối đa chỉ đạt 200 lần thì với chiếc kính này, độ phóng đại lên tới 600 lần. Khi đó, các bạn có thể dễ dàng quan sát và chụp ảnh được các hố va chạm trên Mặt Trăng, vành đai Sao Thổ cũng như các sọc mây trên Sao Mộc… một cách sắc nét và chi tiết”.

Theo giới vật lý thiên văn, tháng 6/2019 là tháng Sao Mộc thống trị bầu trời đêm và một chiếc kính thiên văn kích thước trung bình cũng đủ cho phép người quan sát nhìn thấy các sọc mây của hành tinh khí khổng lồ này.

Thông tin chi tiết:
Thời gian: 16:00-20:00, Thứ 6, ngày 14/6/2019

Địa điểm: Hội trường tầng 9, Tòa nhà A21, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy

Vào cửa tự do