Năm 2025, TFP sẽ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế và giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 20%/năm

Viettel là một trong các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào nghiên cứu KHCN. Ảnh: KH&PT
Viettel là một trong các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào nghiên cứu KHCN. Ảnh: Viettel

Đó là một trong những điểm đáng chú ý trong Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” (Đề án) được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/2 vừa qua.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% vào năm 2025. Tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30 - 35%.

Đề án đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của KH&CN và giáo dục. Về tổng thể trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế vào năm 2025.

Trong đó, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia số.

Về giáo dục và đào tạo, đến năm 2025, bình quân hằng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 4,6 triệu người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cách mạng công nghệ 4.0; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; hoàn thiện thể chế, đổi mới quản lý hệ thống quản lý nhà trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa từng bước hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục.

Đối với tài chính - ngân hàng, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.