Ngày 13/6, tại Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tổ chức diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ”.

Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Diễn đàn là nơi thảo luận cởi mở, cùng chia sẻ những thông tin, kiến thức và những kinh nghiệm quý báu xung quanh chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo đó, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ vốn có cơ cấu vật nuôi khá đa dạng. Đây là khu vực có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc như: Lợn, bò, cừu, dê… Năm 2017, các tỉnh Nam Trung Bộ có tổng đàn bò 1.269.000 con, đàn trâu 173.900 con, đàn lợn 2.163.200 con; dê 192.000 con; cừu 163.900 con.

Các sản phẩm chăn nuôi gia súc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm của ngành chăn nuôi cả nước. Riêng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2017 đạt 86.100 tấn, chiếm 26,8% sản lượng thịt bò của cả nước. Sản lượng thịt cừu hơi xuất chuồng đạt 1.600 tấn, chiếm 85,8% sản lượng thịt cừu của cả nước.

Tại diễn đàn, bằng hình thức hỏi – đáp trực tiếp, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi và thắc mắc của bà con nông dân liên quan đếnđịnh hướng đầu ra của sản phẩm chăn nuôi; chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi đăng ký tham gia theo hướng chăn nuôi công nghiệp; hỗ trợ liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống, phối giống để nâng cao chất lượng, cải thiện đàn bò; phương pháp ước tính trọng lượng thịt ở từng giống bò cụ thể; hướng dẫn chăm sóc sau sinh sản ở gia súc; cách phòng, trị bệnh…


Đàn bò tại Quảng Ngãi. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo các đại biểu, để chăn nuôi bền vững và phát triển ổn định cần phải có con giống tốt; khuyến khích người chăn nuôi sử dụng các giống mới năng suất cao. Vì thế cần đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tại chỗ; chọn lọc, nuôi dưỡng và bảo tồn các nguồn giống quý của địa phương.

Mặc khác, cần thực hiện công tác quản lý giống một cách nghiêm ngặt để tạo nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu, đặc điểm sinh thái của địa phương; tăng cường những vật nuôi sử dụng được nước mặn như vịt biển, ong, chim yến, dê, cừu, gà địa phương…

Bên cạnh đó cũng cần nhập khẩu một số giống gia súc, gia cầm có khả năng chịu được hạn hán tốt về lai tạo với giống địa phương để tạo ra các tổ hợp lai thích ứng với điều kiện chăn nuôi hạn hán của vùng.