Đại học Tôn Đức Thắng lần đầu tiên vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) năm 2019.

Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng của ARWU. Ảnh: Shanghairanking.
Đại học Tôn Đức Thắng là trường đầu tiên của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng của ARWU. Ảnh: Shanghairanking.

Đại học Tôn Đức Thắng là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng ARWU 2019 được tổ chức ShanghaiRanking Consultancy công bố vào ngày 15/8. Cụ thể, trường đại học này đứng ở vị trí 901 – 1.000. Ngoài Đại học Tôn Đức Thắng, hơn 50 đại học khác cũng lần đầu lọt vào top 1.000 thế giới.

Bảng xếp hạng ARWU được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2003 dưới sự biên soạn của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Từ năm 2009 đến nay, ARWU do tổ chức ShanghaiRanking Consultancy quản lý và phát hành.

Trước đây, ARWU mỗi năm đánh giá hơn 1.200 trường đại học để chọn ra top 500 trường xuất sắc nhất thế giới. Nhưng năm nay bảng xếp hạng có tới 1.000 trường đại học, trong tổng số 1.800 trường được đánh giá.

Đứng đầu bảng xếp hạng ARWU 2019 là Đại học Harvard (Mỹ) – năm thứ 17 liên tiếp. Đại học Stanford và Đại học Cambridge vẫn duy trì tương ứng ở vị trí thứ hai và thứ ba. Các trường còn lại nằm trong top 10 bao gồm: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học California-Berkeley, Đại học Princeton, Đại học Oxford, Đại học Columbia, Viện Công nghệ California và Đại học Chicago.

Tại châu Âu, ETH Zurich (Thụy Sĩ) tiếp tục là trường đại học có thứ hạng tốt nhất (vị trí 19 trong bảng xếp hạng) và Đại học Copenhagen có thứ hạng tốt thứ hai (vị trí 26).

Đại học Tokyo (vị trí 25) và Đại học Kyoto (vị trí 32) của Nhật Bản là hai trường có thứ hạng cao nhất ở châu Á, sau đó đến Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc (vị trí 43). Đại học Melbourne (vị trí 41) đứng đầu các trường ở Châu Đại Dương.

ARWU là hệ thống xếp hạng đại học được đánh giá là khách quan, minh bạch, đáng tin cậy. ARWU sử dụng số liệu từ các nguồn thông tin sẵn có của bên thứ ba, không phải dữ liệu chủ quan do các trường đại học tự cung cấp.

Căn cứ đánh giá của ARWU bao gồm bốn tiêu chí chính: (1) Chất lượng giáo dục (10%), được đo bằng tổng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields. (2) Chất lượng giảng viên (40%), căn cứ vào số giảng viên của trường đoạt giải Nobel và huy chương Fields; số giảng viên của trường có tên trong danh sách những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong 21 lĩnh vực tổng quát. (3) Nghiên cứu khoa học (40%), xem xét số bài báo đăng trên hai tạp chí khoa học Nature và Science, số bài báo được trích dẫn trong cơ sở dữ liệu các tạp chí thuộc danh mục Science Citation Index Expanded (SCIE) và Social Science Citation Index (SSCI), (4) Năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).

Hiện nay, ARWU là một trong ba bảng xếp hạng được tham khảo nhiều nhất thế giới cùng với bảng xếp hạng QS World University Rankings và Times Higher Education World University Rankings.