Tài liệu hồi ức, ký ức – những tư liệu phản ánh trải nghiệm, cảm nhận thực tế của các nhân chứng về sự kiện lịch sử đã qua còn chưa được chú trọng khai thác và được xem là một nguồn tư liệu nghiêm túc trong công tác nghiên cứu ở Việt Nam.

Vì vậy, chúng cần được đánh giá đúng giá trị, và khai thác để góp phần nhận diện đầy đủ hơn về lịch sử, kinh tế, xã hội, con người Việt Nam.

Đó là một trong những nội dung được chú ý thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hồi ức, ký ức và tài liệu lưu trữ về Việt Nam – Giá trị nhân văn nhìn từ nhiều phía” do Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội phối hợp với ĐH Texas, Hoa Kỳ và ĐH Aix – Marseille, Pháp đồng tổ chức trong hai ngày 24 - 25 tháng 10 vừa qua.

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Bà Nguyễn Phương Ngọc - đại diện Đại học Aix-Marseille (Pháp),GS. Ron Milam - đại diện Đại học Công nghệ Texas (Hoa Kỳ) tại hội thảo. Ảnh: ussh.vnu.edu

“Tôi đã từng tham dự một số buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Ở đó, những người phản biện yêu cầu nghiên cứu sinh phải bỏ các tư liệu hồi ký ra khỏi tài liệu tham khảo của mình, nghĩa là họ không xem trọng các tư liệu hồi ký, tư liệu ký ức”, TS. Nguyễn Thanh Hóa, phó Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết. Trong khi đó, Trung tâm di sản các nhà khoa học “coi ký ức là một loại tư liệu di sản rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử một cá nhân nói riêng và lịch sử xã hội nói chung”, anh Hóa nói.

Theo các nhà nghiên cứu về ký ức lịch sử, nguồn tư liệu này không chỉ có vai trò quan trọng trong việc khảo cứu quan điểm, lịch sử cuộc đời mỗi cá nhân, mà nó còn giúp hiểu hơn về bối cảnh lịch sử, xã hội trong các giai đoạn khác nhau bởi vì đó là nguồn tư liệu có thể góp phần khỏa lấp khoảng trống mà sử liệu thành văn, chính thống chưa đề cập đến. TS. Nguyễn Thanh Hóa đưa ra dẫn chứng về sự kiện đoàn cán bộ đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi học ở Liên Xô năm 1951: “Trung tâm Lưu trữ của Trung ương Đảng không hề đề cập đến sự kiện này, nhưng thông qua ký ức của hai nhân chứng cuối cùng còn sống trong số 21 người của đoàn cán bộ, chúng tôi đã tái hiện lại bức tranh lịch sử lúc bấy giờ.” Nếu những di sản ký ức này không được lưu giữ và thu thập, một phần lịch sử cũng sẽ mất đi cùng với những nhân chứng trong thời kỳ đó.

Cán bộ nghiên cứu sưu tầm của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam phỏng vấn nhà khoa học. Ảnh: Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Nhưng để sử dụng loại hình tài liệu này một cách hiệu quả, cần có phương pháp nghiên cứu phù hợp. Điều này đòi hỏi “Các trung tâm lưu trữ và cơ quan nghiên cứu lịch sử cần xây dựng kế hoạch, phương pháp để tiến hành thu thập và lưu trữ tư liệu ký ức. Cần thúc đẩy việc thu thập tư liệu ký ức thành một hoạt động phổ biến trong các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức cũng như ngoài xã hội,” theo TS. Nguyễn Thanh Hóa.

Tuy vậy, để có thể thu thập nguồn tư liệu này hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng, bởi không thể ép buộc một cá nhân chia sẻ những câu chuyện riêng tư của họ. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ và Quản trị Văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra: “Những tư liệu này thuộc quyền sở hữu tư nhân, vì vậy hiện tại việc thu thập như thế nào, bảo quản ra sao và đặc biệt việc khai thác sử dụng cũng phụ thuộc vào yếu tố cá nhân và các nhà nghiên cứu phải thuyết phục họ. Bởi vì không thể đưa ra luật, nghị định hay một quy chế, quy định cứng nào cho loại hình tài liệu này.”