Sáng 17/5 tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) phối hợp với Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường thế giới.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC Trần Văn Vinh cho biết, thoả thuận cấp quốc tế đầu tiên về đo lường là Công ước Mét, với 17 nước tham gia ký kết vào ngày 20/5/1875 tại Paris, Pháp. Đây là bước đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo lường đồng bộ trên toàn thế giới và nay là Hệ thống đơn vị quốc tế (SI - International System of Unit). Ngày 20/5 hằng năm là Ngày Đo lường thế giới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh:Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

Kỷ niệm Ngày Đo lường thế giới 2019, đúng ngày 20/5/2019 Hệ đơn vị quốc tế mới (SI mới) sẽ có hiệu lực. Kể từ ngày hệ SI ra đời (10/1960) đến nay đã có nhiều lần thay đổi theo đà phát triển của khoa học và công nghệ, nhưng lần thay đổi này là sự kiện chưa từng có.

Theo đánh giá của các chuyên gia, SI mới có thể đón nhận được những cải tiến của KH&CN trong tương lai và đáp ứng được các nhu cầu mới của người sử dụng trong nhiều năm tới. "Những thay đổi [trong hệ đo lường] sẽ không dễ nhận thấy, trừ những người sử dụng có đòi hỏi khắt khe nhất, nhưng chúng có ý nghĩa lớn để có thể có những thay đổi về cách thức mà liên kết chuẩn đo lường cuối cùng được thiết lập", Thông điệp của Giám đốc Viện cân đo quốc tế (BIPM) và Giám đốc Văn phòng đo lường pháp định quốc tế (BIML) nhân ngày đo lường thế giới 20/05/2019 viết. Về cơ bản thì người tiêu dùng sẽ không cảm thấy bất cứ sự khác biệt nào về các quả cân, thước độ dài và những thước đo khác mà họ sử dụng.

Chính vì thế, BIPM (Viện cân đo quốc tế) và BIML (Văn phòng đo lường pháp định quốc tế) đã chọn chủ đề cho Ngày Đo lường thế giới năm nay là: “SI tốt hơn hẳn”.

Cùng ngày, hội thảo “Tính ưu việt của định nghĩa SI mới” cũng đã làm rõ một số nội dung mới thay đổi trong hệ đơn vị đo lường quốc tế SI; sự phát triển các hằng số của hệ đơn vị quốc tế; nội dung và quá trình tiến tới SI mới. Đồng thời đề cập đến những định hướng của đo lường Việt Nam để đón nhận sự thay đổi về đơn vị đo lường quốc tế SI, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ về đo lường cho các doanh nghiệp.

“Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường trong toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, nhu cầu quản lý, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh.