Để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Kon Tum triển khai nhiều cơ chế ưu đãi cùng các chính sách khuyến khích để "lôi kéo", "giữ chân" nhà đầu tư.

 Một cơ sở nuôi cá tầm tại huyện Kon Plông. Ảnh:VGP/Bạch Dương

Một cơ sở nuôi cá tầm tại huyện Kon Plông. Ảnh:VGP/Bạch Dương

Hiện, toàn tỉnh có 501 DN đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung ở lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như trồng cây công nghiệp, trồng rừng, phát triển dược liệu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng rau, hoa, quả, chăn nuôi...).

Tính đến nay, Kon Tum đã cấp phép đầu tư cho 88 dự án nông nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 19 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plông, Ia H’Drai, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Kon Rẫy…

Ngoài giá trị kinh tế mang lại cho lao động địa phương, thông qua việc liên kết sản xuất với người dân, các DN đã góp phần tạo thu nhập và chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân, đặc biệt là quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Chính vì vậy, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng cơ chế, chính sách thiết thực.

Theo đó, để thu hút DN đầu tư vào “tam nông”, bên cạnh việc áp dụng ở mức cao nhất chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, tỉnh Kon Tum đã dành ưu tiên trong việc bố trí quỹ đất cho các DN xây dựng khu dân cư tập trung để bố trí nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng lao động.

Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ngoài khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung) được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư nhà kính, nhà lưới với mức 50.000 đồng/m2, diện tích hỗ trợ tối đa không quá 300 m2/nhà đầu tư.

Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khu nông nghiệp công nghệ cao được miễn tiền thuê nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt trong 3 năm và giảm 50% tiền thuê cho 2 năm tiếp theo...

Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai; về thuế; về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung; được thụ hưởng chính sách tín dụng như chính sách đảm bảo tiền vay, chính sách hỗ trợ lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP...


Doanh nghiệp đầu tư trong hoa lan ở huyện Kon Plông. Ảnh: VGP/Bạch Dương

Để tiếp tục thu hút, mời gọi các DN, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cho biết địa phương còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, trong đó có việc tập trung quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư.