Công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) để kiểm soát năng lượng trong các tòa nhà, đo độ rung chấn của cầu, ứng dụng trong đồng hồ nước sẽ được Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu CNC TPHCM (SHTP LABS) nhận chuyển giao từ các chuyên gia nước ngoài, nhằm phục vụ xây dựng đô thị thông minh.

Thông tin này được ông Ngô Võ Kế Thành – Giám đốc SHTP LABS - cho biết tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về MEMS và hệ thống cảm biến với chủ đề “Công nghệ MEMS và IoT – Xây dựng đô thị thông minh”do SHTP LABS tổ chức ngày 27/9 tại TPHCM.

Tại đây, TS Takayuki Ishizuka đến từ Nhật Bản giới thiệu cảm biến Strain Gauges để đo độ rung chấn của cầu. Hiện nay, cảm biến này đang được lắp đặt thử nghiệm tại cầu Cần Thơ và cầu Bãi Cháy. Ngoài ra, GS Jun Fujimoto cũng đến từ Nhật Bản giới thiệu ứng dụng IoT để kiểm soát năng lượng trong các tòa nhà.

Diễn giả nước ngoài chia sẻ về công nghệ MEMS tại Hội nghị
Diễn giả nước ngoài chia sẻ về công nghệ MEMS tại Hội nghị

GS Jordi Carrabina (Tây Ban Nha) chia sẻ với hội nghị về cảm biến từ sử dụng trong đồng hồ đo nước. Khi lắp cảm biến này vào đồng hồ, không cần sử dụng nhân công đến từng nhà đo trực tiếp chỉ số nước. Trên phần mềm quản lý hệ thống đồng hồ đo nước của mỗi hộ dân, nhờ cảm biến này, chỉ số nước của mỗi hộ dân được truyền dữ liệu online và quản lý từ xa.

Ông Thành cho biết, trong năm 2018 - 2019, Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ cử cán bộ sang Nhật Bản, Tây Ban Nha đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để về chế tạo, sản xuất ba loại cảm biến nêu trên tại SHTP LABS.

“Nếu trong nước làm chủ được công nghệ sản xuất các loại cảm biến này thì giá thành sản phẩm giảm được 1/3 so với giá nhập ngoại, chưa kể chi phí vận hành. Ngoài ra, thiết bị nước ngoài được sản xuất theo khí hậu, thổ nhưỡng từng nước nên khó phù hợp với thực tiễn của Việt Nam” – ông Thành chia sẻ.

hê
Hệ thống giám sát môi trường nước nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ MEMS

Qua Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về MEMS năm 2017, SHTP LABS đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sản xuất cảm biến áp suất từ Nhật Bản để đo mực nước tại các điểm ngập. Đến nay, cảm biến này đã được lắp đặt tại 30 điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt của TPHCM. Hiện Trung tâm Chống ngập đặt hàng tiếp cho SHTP LABS chế tạo ra 5 cảm biến áp suất, ngoài đo mực nước còn tích hợp cảm biến đo lượng nước mưa, độ ẩm, hướng gió,… tại 4 điểm trên đường phố và 1 điểm tại sông để đo mực triều cường.

Ông Thành cho biết thêm, thời gian qua, SHTP LABS còn hợp tác với Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam để nghiên cứu, chế tạo hệ thống giám sát môi trường nước nuôi thủy sản, ứng dụng công nghệ MEMS. Hệ thống này giám sát 5 thông số quan trọng của nguồn nước nuôi trồng thủy sản bao gồm: ORP (chỉ số tiềm năng Oxy hóa khử), DO (Oxi hòa tan trong nước), độ pH, EC (độ mặn), Nhiệt độ của môi trường nước. Hệ thống hoạt động 24/7, kiểm soát chất lượng nước liên tục và tự động, mọi thông số có thể xem được trên tất cả các thiết bị như: máy tính, laptop, máy tính bảng, điện thoại... Công ty Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam đang đặt hàng SHTP LABS nghiên cứu, chế tạo cảm biến ứng dụng trong mở khóa bằng dấu vân tay; cảm biến đo độ ẩm, không khí trong các kho hàng, nhà xưởng,…