Ngày 23/8, 100 nhà khoa học Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài về tham dự sự kiện Vietnam Innovation Network 2018 và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN, sở, ngành tại TPHCM đã có chuyến thăm Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP).

Các nhà khoa học đã chia thành nhiều đoàn, đi thăm nhiều đơn vị nghiên cứu khác nhau trong SHTP, trong đó có Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật.

Tại đây, trao đổi với các nhà khoa học Việt khách mời, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, ở Việt Nam hiện nay, nhiều người lầm tưởng sinh viên là đối tượng chính nên làm khởi nghiệp. Trong khi trên thế giới, hầu hết người làm khởi nghiệp đều có trình độ tiến sĩ hoặc đã có quá trình công tác lâu năm, nghĩa là làm “quân” đã rồi mới ra làm “tướng” được. Chẳng hạn, ở Isarel, tuổi trung bình của những người làm startup là 40.

Theo Thứ trưởng nếu sinh viên ra trường đã nuôi mộng làm chủ startup thì rất dễ thất bại do thiếu kinh nghiệm. Đồng thời, ông kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ hãy mạnh dạn về làm startup ở SHTP. "Khi làm startup ở đây, các bạn có thể tham gia giảng dạy ở Đại học Quốc gia TPHCM.”

Thứ trưởng cũng đề xuất, SHTP nên mời các nhà khoa học tài năng người Việt ở nước ngoài chuyển giao những công nghệ cho các startup ở Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao hoặc các nhóm đang chuẩn bị hình thành ý tưởng. Làm được như vậy, TPHCM sẽ có những startup tăng trưởng nhanh với giá trị cao.

t
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc với SHTP

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để các trí thức người Việt có công nghệ, có trình độ sẵn sàng về nước làm việc, không thể chỉ kêu gọi suông tấm lòng của họ đối với quê hương mà cần tạo điều kiện tối đa để họ lập nghiệp thành công bằng chất xám trên đất nước mình.

Thứ trưởng nêu ví dụ về chính sách thu hút nhân tài của Isarel mà Việt Nam có thể học hỏi. Đó là vào những năm 1990, khi Liên Xô tan rã, Israel đưa ra chính sách thu hút các nhà khoa học gốc Isarel ở Liên Xô về nước, theo đó, họ không nhất thiết phải về làm trong các cơ quan nhà nước, hay giảng dạy ở các trường đại học mà có thể lập doanh nghiệp ở các khu ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để có thu nhập tốt. Chính ý tưởng đó đã trở thành nền tảng cho sự ra đời của rất nhiều startup do các nhà khoa học hàng đầu đã được đào tạo bài bản ở Liên Xô điều hành.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy và các trí thức trẻ tham quan một số đơn vị của SHTP
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và các trí thức trẻ tham quan một số đơn vị của SHTP

TS Hoàng Thế Bân – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, cũng cho rằng, chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam cần phải làm mạnh, liên tục, và có chiến lược hơn. Ví dụ cần xác định trong 10 năm tới Việt Nam muốn phát triển những lĩnh vực nào để kêu gọi được đúng người.

Về phía mình, Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật luôn sẵn sàng hợp tác với những chuyên gia có chuyên môn về tự động hóa để xây dựng Trung tâm thành địa chỉ đào tạo và chuyển giao công nghệ rô-bốt, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm – TS. Bân cho biết.