Nghị quyết số 55-NQ/TW Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Nghị quyết số 55-NQ/TW đã nêu một trong những mục tiêu tổng quát là ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng...

Hướng tới một chiến lược phát triển năng lượng tiên tiến, Nghị quyết đã nêu rõ, cần nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng.

Nghị quyết cũng đã xác định 10 giải pháp toàn diện, góp phần đem lại cho đất nước cơ cấu nguồn điện hợp lý, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng…

Phát triển KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng là một giải pháp quan trọng, trong đó hình thành cơ chế liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình KH&CN; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng; tiếp tục triển khai chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng.

Không chỉ là những đóng góp trong nghiên cứu, KH&CN sẽ tham gia vào quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.

Về lâu dài, KH&CN sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực tổng thể và các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng.